Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, “Make in Vietnam” sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.
Tuyên bố chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Sáng nay, ngày 9/5/2019, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã chính thức được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Có chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức là một sự khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Sự kiện này có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 1.000 đại biểu gồm đại diện các ủy ban, ban, bộ, ngành, địa phương; các Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn này thể hiện tầm quan trọng của Diễn đàn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, của cá nhân Thủ tướng với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra vấn đề về tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam? “Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, Bộ trưởng lý giải.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Và cũng từ đó Việt Nam sẽ thành một nước phát triển và hùng cường. Đây là lần đầu tiên, chúng ta tổ chức Diễn đàn ở tầm quốc gia để tuyên bố một chiến lược quan trọng, liên quan đến tương lai, vận mệnh Việt Nam, đó là chiến lược về phát triển các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, "Make in Vietnam" sẽ là tuyên bố của chúng ta: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình. "Make in Vietnam" cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.
“Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự?”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Bộ trưởng phân tích, ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới.
“Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1”, Bộ trưởng khẳng định.
Trên cơ sở khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển các công ty công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu để sinh ra các công ty công nghệ.
“Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới Chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Năm 2019 này, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp”, Bộ trưởng nhận định.
Nhấn mạnh yếu tố con người, nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho hay: “Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Người Việt Nam chúng ta thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc hãy kết nối Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”.
Chỉ rõ nhân tài có đặc tính là toàn cầu, người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây. Cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận Sandbox: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn. Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét. Đối với người tài xuất sắc thì đầu tiên là được sáng tạo, có thách thức, càng lớn càng lôi cuốn họ. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để Việt Nam có thể thu hút nhân tài toàn cầu.
Bộ trưởng cũng đặt kỳ vọng vào sự góp sức của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Theo Bộ trưởng, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, ở các lĩnh vực dịch vụ, như thương mại, bất động sản, tài chính... đã thành công, có qui mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp, cần phải đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, hình thành lên các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có qui mô lớn.
“Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này. Chúng ta đã từng nghe một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp, công nghệ và thương mại dịch vụ như Viettel, VinGroup, VNPT... Nhiều quốc gia đã hoá rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn. Chính phủ sẽ xem xét để tạo điều kiện phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 1.000 đại biểu gồm đại diện các ủy ban, ban, bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Xuân Phú |
Cũng trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đổi mới sáng tạo thì không thể không nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - những start-ups. Đó là những khởi nghiệp với sản phẩm, giải pháp thực sự mới mẻ, tạo ra sự bất ngờ đáng kinh ngạc và cực kỳ hữu dụng. Những khởi nghiệp này sẽ nhanh chóng có qui mô toàn cầu. Diễn đàn của chúng ta sẽ nghe những kinh nghiệm quốc tế, những kinh nghiệm của người Việt trong nước và người Việt trên toàn thế giới về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái start-ups, để từ đó có những khuyến nghị cho Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam chúng ta cũng rất cần các khởi nghiệp công nghệ và cần rất nhiều những khởi nghiệp công nghệ này. Cần thiết hơn và cũng khả thi hơn, đó là những công ty khởi nghiệp, bước đầu là sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty khác đổi mới công nghệ. Để rồi bước tiếp theo sẽ là phát triển công nghệ. Chính những công ty công nghệ qui mô nhỏ này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Và cũng chính từ hàng chục, hàng trăm ngàn những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành nên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam.
Chúng ta cũng cần một Quĩ để phát triển công nghệ Việt Nam. Sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một Quĩ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu. Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân và Quĩ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hoá khát vọng đó, bởi vậy nên là một quĩ toàn dân, do toàn dân đóng góp và do chính người dân sẽ giám sát sự vận hành của Quĩ. Mô hình vận hành Quĩ thì có thể học tập từ một số quốc gia khác đã thành công với quĩ này.
Bộ trưởng cũng thông tin, ngoài việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, lần đầu tiên chúng ta đề xuất một số giải pháp để tạo thêm thách thức cho doanh nghiệp phát triển. Trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo nên sự phát triển. Diễn đàn sẽ đề xuất Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam để từ đây các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ.
“Chúng ta đang và sẽ sống trong kỷ nguyên số, kéo dài hàng trăm năm. Một đất nước hoá rồng cũng phải nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội đó. Và đó là câu chuyện của giáo dục, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học và đến môi trường học cả đời. Trong số rất nhiều đổi mới giáo dục thì có lẽ dạy ICT và ngoại ngữ phải là bắt buộc từ phổ thông.
Gần đây, người ta nói đến mỗi người phải biết đến 3 ngôn ngữ: Ngôn ngữ mẹ đẻ để duy trì văn hoá, ngôn ngữ tiếng Anh để hội nhập quốc tế, và ngôn ngữ IT để giao tiếp với máy móc. Và tất cả chúng ta đều đặt nhiều hy vọng vào những đổi mới giáo dục, mà trước mắt và đầu tiên là áp dụng công nghệ mới, công nghệ ICT vào giáo dục. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên nên và rất nên là giáo dục. Và những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên cũng nên và rất nên là doanh nghiệp công nghệ giáo dục”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Theo chương trình, diễn ra trong cả ngày 9/5, Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam gồm có 4 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam;Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ. Bên lề Diễn đàn có Triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại cao do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp. Khu trưng bày phân thành 5 khu vực: Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; Giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; Y tế, du lịch; Nông nghiệp và Chuyển đổi số. |
Theo ictnews.vn