Thực hiện chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, chiều 8/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử trước Quốc hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngày 1/7/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025
Nghị quyết đã xác định những vấn đề trọng tâm. Theo đó, về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ giao cho các cơ quan xây dựng và ban hành Nghị định quản lý thông tin dữ liệu, thông tin cá nhân, xác thực định danh điện tử, quy định cơ sở dữ liệu quốc gia. Sớm ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 để các cơ quan, nhà mạng căn cứ vào đó ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn phần mềm kết nối, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin; trục liên thông văn bản quốc gia.
Về nền tảng cơ sở dữ liệu của Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay đã cơ bản hoàn thành, có cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, về tài chính, về dân cư...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cơ sở dữ liệu đang phân tán và tập trung, tuy nhiên cái gì cần tập trung thì tập trung, còn một số vấn đề cần phân tán để giao cho một số bộ, ngành, địa phương quản lý để tác nghiệp. Đây cũng là chủ trương đảm bảo sự hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đối với quan điểm huy động nguồn lực của doanh nghiệp trong nước, tư nhân và tranh thủ các chuyên gia quốc tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết nước ta đang theo phương án thuê doanh nghiệp trên cơ sở đặt hàng.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phải bảo đảm nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; cải cách hành chính là dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là phương tiện.
Để thành công, đòi hỏi các bộ, ngành địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc này, đồng thời tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; lựa chọn dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.
Theo lộ trình, trong tháng 11/2019, Chính phủ sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, đưa một số dịch vụ như cấp đổi giấy phép lái xe, cấp giấy chứng nhận đăng ký hàng hóa, thông báo khuyến mại, cấp điện, thu tiền điện lên Cổng Dịch vụ công. Đến quý I/2020 sẽ thực hiện cung cấp dịch vụ công theo danh mục như thu thuế cá nhân, cấp giấy khai sinh, thu tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu rõ việc cắt giảm các thủ tục hành chính đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành, tham vấn chính sách… đảm bảo những vấn đề mà Chính phủ điện tử phải đạt được, phải mang lại lợi ích cho nhân dân./.
Theo chinhphu.vn