Chiều ngày 14/12/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký kết chương trình phối hợp công tác tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2022. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đồng chủ trì lễ ký kết. Tham dự lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An và đại diện các đơn vị liên quan của hai Bộ.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ là nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ TT&TT nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, an toàn thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký kết nội dung hợp tác giữa hai Bộ
Theo nội dung ký kết, Cục Tin học hóa (thuộc Bộ TT&TT) và Cục CNTT (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) là hai đơn vị đầu mối giúp Lãnh đạo hai Bộ đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình phối hợp, đồng thời chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hàng năm.
Ở cấp địa phương, Sở TT&TT, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp tại địa phương. Đồng thời, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về hai Bộ trước ngày 10/12 hàng năm.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, chín nhiệm vụ được nêu cụ thể trong chương trình phối hợp giữa hai Bộ là những công việc hết sức cần thiết phải triển khai, có tính khả thi cao, liên quan đến hai nội dung lớn là công tác tuyên truyền, truyền thông và ứng dụng CNTT.
Về công tác ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT là bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT với khoảng 50.000 doanh nghiệp hoạt động, doanh thu hàng năm lên tới 100 tỷ USD, số lao động hoạt động trong ngành này là hơn 1 triệu người. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã thiết lập mối quan hệ quốc tế rộng rãi với tất cả các Bộ quản lý ICT trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Bộ TT&TT hỗ trợ Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện một nhiệm vụ tưởng như khó khăn, đó là chuẩn hóa chương trình đào tạo về CNTT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhất trí với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc kiên quyết phải phổ cập tiếng Anh và CNTT cho học sinh, sinh viên thông qua việc đưa hai môn này vào chương trình bắt buộc ngay từ lớp 3 ở bậc tiểu học. Trong kỷ nguyên số hiện nay, việc biết ba ngôn ngữ sau là cần thiết để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, bao gồm: Tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ), Tiếng Anh (giao tiếp với thế giới) và ngôn ngữ IT hay coding (giao tiếp giữa người và máy). Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, hàng nghìn tỷ thiết bị sẽ được số hóa, đưa vào không gian mạng và kết nối với nhau cũng như kết nối với con người.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, ICT là nền tảng của mọi lĩnh vực trong xã hội và là một thành tố quan trọng trong cuộc cách mạng số. Cách mạng số là cuộc cách mạng vĩ đại, làm thay đổi về cơ bản xã hội loài người. Nếu trước đây công nghệ chỉ là công cụ đơn thuần phuc vụ con người thì nay công nghệ đã có tác động trở lại đến đời sống con người. Uber (một ứng dụng gọi xe taxi) là một ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ đối với con người.
Đối với công tác phối hợp hỗ trợ về truyền thông, Bộ Giáo dục Đào tạo phụ trách một lĩnh vực quan trọng, chạm đến hầu hết mọi gia đình, mọi người dân Việt Nam. Do đó việc có nhiều ý kiến khác nhau đối với các chính sách của Bộ Giáo dục Đào tạo là hết sức bình thường. Bộ TT&TT với các đơn vị chức năng phụ trách báo chí như Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình thông tin điện tử sẽ hỗ trợ Bộ Giáo dục Đào tạo truyền tải các thông điệp về chính sách giáo dục đến các tầng lớp nhân dân một cách kịp thời, chính xác.
Bộ TT&TT rất hạnh phúc được đóng góp một viên gạch nhỏ vào sự nghiệp lớn của Bộ Giáo dục Đào tạo để góp phần “đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Nội dung Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2022 1. Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề. 2. Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. 3. Phối hợp xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo phiên bản 2.0; phối hợp thực hiện kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa ngành giáo dục và đào tạo với các ngành khác và với các địa phương. 4. Phối hợp triển khai các dịch vụ về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng. 5. Phối hợp xây dựng, thẩm định và định kỳ rà soát, cập nhật ngân hàng câu hỏi thi quốc gia, phần mềm quản lý thi quốc gia và tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức thi, quản lý và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT của các trung tâm sát hạch. 6. Phối hợp chỉ đạo lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; Phối hợp nghiên cứu chỉ đạo đưa nội dung công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng cập nhật theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình giáo dục đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo (từ trung học phổ thông trở lên)… Phối hợp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin, gắn công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp. Hàng năm Bộ TT&TT cung cấp số liệu về yêu cầu đào tạo CNTT, an toàn thông tin để phối hợp nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về thị trường lao động công nghệ thông tin, hỗ trợ chuẩn hóa nội dung đào tạo. 7. Phối hợp quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc xuất bản sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa điện tử và sách tham khảo về an toàn thông tin mạng. 8. Huy động sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp BCVT và CNTT để thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp. 9. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Sở Giáo dục Đào tạo, Sở TT&TT, các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương tăng cường triển khai tuyên truyền nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá. |
Theo Mic.gov.vn