Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra chiều ngày 2/10/2019 tại Hà Nội.
Hội thảo là một sự kiện nằm trong Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành chủ trì được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 2-3/10.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông Số, đại diện các tỉnh thành trên cả nước và đại diện các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp về đô thị thông minh (ĐTTM).
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: “Việc xây dựng ĐTTM phải gắn kết, không được tách rời việc phát triển chính quyền điện tử”
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển ĐTTM.
Xây dựng ĐTTM là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện, an toàn của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển ĐTTM hiện nay còn nhiều bất cập và lúng túng. Các Bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về ĐTTM và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng dịch vụ cơ bản cho ĐTTM.
Với tư cách là bộ quản lý Nhà nước về CNTT, Bộ TT&TT lưu ý các địa phương trong quá trình xây dựng ĐTTM cần có nhận thức đúng về ĐTTM, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công ĐTTM tại địa phương, hết sức tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.
Cần quán triệt nguyên tắc xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ tập trung, và giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Chẳng hạn đầu tư camera giám sát cần làm rõ đơn vị nào đầu tư Công an hay Giao thông hay thành phố đầu tư rồi các ngành dùng chung.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Việc xây dựng ĐTTM phải gắn kết, không được tách rời việc phát triển chính quyền điện tử”. Lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng ĐTTM, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thoả đáng.
Căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của từng địa phương, lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu cần ưu tiên triển khai khi xây dựng ĐTTM, tránh rập khuôn, đầu tư tràn lan.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng ngay từ giai đoạn đầu của việc thiết kế xây dựng, triển khai ĐTTM cần được đặc biệt chú trọng. Đồng thời, cần có công cụ để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện. Phải lựa chọn các DN công nghệ có đủ năng lực để tổ chức triển khai.
Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là vai trò của người đứng đầu. “Một ĐTTM không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, nếu thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó”.
Chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Kabsung Kim, Trưởng Ban Cố vấn về ĐTTM của Tổng thống Hàn Quốc khẳng định “ĐTTM là nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” do đó mọi giải pháp, mục tiêu, tầm nhìn khi xây dựng ĐTTM đều phải lấy người dân làm trung tâm, hướng đến phát triển bền vững, làm cho người dân hạnh phúc hơn, có tuổi thọ cao hơn.
Tầm nhìn về ĐTTM của Hàn Quốc trong 15-20 năm tới là xây dựng một chuỗi các ĐTTM kết nối, tương tác với nhau, trong đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái thông minh, khuyến khích người dân cùng tham gia và khuyến khích các doanh nghiệp start-up cung cấp giải pháp.
Bàn về những thách thức khi triển khai ĐTTM, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ Công ty Dell Technologies, chỉ rõ chính quyền các tỉnh thành muốn triển khai ĐTTM cần chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp, đặc biệt là start-up để họ cùng thành phố tham gia giải quyết vấn đề. Mỗi thành phố khi bắt tay xây dựng ĐTTM cần chọn một hay một vài vấn đề cụ thể cần giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng kiến trúc hạ tầng và hạ tầng này phải sẵn sàng được mở rộng trong tương lai để giải quyết các bài toán khác, vị đại diện Dell Technologies nhấn mạnh.
Industry 4.0 Summit 2019 nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN 4.0 trong thời gian tới.
Sự kiện quốc tế này được tổ chức nhằm công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam.
Đồng thời, Industry 4.0 Summit 2019 được tổ chức nhằm mục đích triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Tại sự kiện sẽ có các phiên diễn đàn cấp cao do lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng chủ trì với quy mô khoảng 1500 đại biểu trong nước và quốc tế; 5 hội thảo chuyên đề; triển lãm công nghệ hiện đại với sự tham gia khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế; phiên kết nối đầu tư kinh doanh.
Với chủ đề "Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ tư", phiên Diễn đàn cấp cao tập trung giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư” và các báo cáo chính xoay quanh các vấn đề về chiến lược quốc gia CMCN 4.0 của Việt Nam, về chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số và xã hội số.
Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng thông minh; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số.
Song song với các phiên chuyên đề, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế. Triển lãm năm nay sẽ được phân chia thành các khu vực trưng bày các công nghệ nổi bật của 4 lĩnh vực chính: Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất, Năng lượng, Thành phố thông minh, quy tụ sự tham gia của hơn 2500+ đại biểu cấp cao là các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp đến từ các nhóm ngành chính như năng lượng, chế tạo, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng.
|
Theo mic.gov.vn