Chiều ngày 8/8/2021, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và chủ trì Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% tuyến huyện. Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thanh Long, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Huy Dũng và Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng; Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm… và các y bác sĩ tại hơn 600 điểm cầu các cơ sở y tế tuyến huyện trên toàn quốc.
Sự kiện do Bộ TT&TT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức với sự tham gia của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Hoàn thiện quy trình phòng chống covid: 5k + vaccine + thuốc + công nghệ + những biện pháp khác
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra kết nối giữa các Trung tâm y tế huyện trên nhiều vùng miền của cả nước với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth, từ Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương (các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16), các tỉnh Tây Nguyên như: Đắc Lắc, Lâm Đồng cho đến các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn.... Qua kiểm tra, kết nối với các điểm cầu, Thủ tướng nhận định, đã có thể yên tâm về vận hành thông suốt của hệ thống trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ
Thủ tướng đã biểu dương nỗ lực của Bộ TT&TT và Bộ Y tế, các cán bộ, y bác sĩ các cấp, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong việc xây dựng và đưa nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đi vào hoạt động.
Việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các Trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất đến từ các bệnh viện tuyến Trung ương, các Trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng “giờ vàng” để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong. Tuyến dưới có thể tự tin chữa bệnh sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Điều này thực sự có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thủ tướng nhận định, về lâu dài, nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth cũng là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác nhau nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ Nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện quy trình phòng chống Covid; Nếu như trước đây là 5K, rồi đến 5K + vaccine, tiến tới sẽ là “5K + vaccine + thuốc + Công nghệ + những biện pháp khác”. Thủ tướng cũng nhắc tới các biện pháp khác như kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y, áp dụng biện pháp tâm lý học, xã hội học để người bệnh yên tâm, cộng tác trong điều trị…
Vì đây là những vấn đề chưa từng có tiền lệ nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện dần. Những mặt được sẽ tiếp tục phát huy, những khó khăn, vướng mắc thì cùng giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở, tạo độ bao phủ an toàn lớn hơn cho người bệnh. Thiết lập các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực tại tuyến huyện để người bệnh không phải chuyển đi xa, nhiều người bệnh được cứu sống hơn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện nền tảng, tổ chức tập huấn để các y bác sĩ tuyến huyện sử dụng nhuần nhuyễn, phát huy cao nhất hiệu quả của nền tảng hỗ trợ tư vấn.
Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh lây lan nhanh không phân biệt ranh giới địa lý. Do đó, sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch. Ngành TT&TT và Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo các nền tảng công nghệ phục vụ thiết thực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa, giảm tối đa tử vong, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi Lễ
2,5 ngày kết nối hơn 300 trung tâm y tế tuyến huyện với Nền tảng Telehealth
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế. Và mơ ước ấy được thực hiện chỉ trong 2,5 ngày. Chỉ trong 2,5 ngày với sự nỗ lực, sự thần tốc của hai Tập đoàn Viettel và VNPT, 328 huyện, tương đương với 45% tổng số huyện trên toàn quốc đã được kết nối với nền tảng Telehealth. Những huyện này đa phần là những huyện khó khăn. Tính đến ngày thứ Sáu (6/8/2021), 100% các Trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này, Bộ trưởng nêu rõ.
Người đứng đầu Ngành TT&TT khẳng định, mơ ước nhiều chục năm ấy biến thành hiện thực vì chúng ta có được quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Nó được thực hiện là vì trong bối cảnh khẩn cấp, không ai còn lo cho bản thân mình. Nó được thực hiện vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng trân trọng cảm ơn đối với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự quyết liệt của Thủ tướng, và niềm tin mà Thủ tướng đã đặt vào Ngành TT&TT.
“Ngành TT&TT sẵn sàng nhận thêm những nhiệm vụ mới mà Thủ tướng giao, càng khó bao nhiêu, càng nặng bao nhiêu, càng thách thức bao nhiêu thì sẽ càng tạo ra sự phát triển cho lĩnh vực công nghệ số bấy nhiêu. Bởi vì, công nghệ số phát triển được là do người đặt ra bài toán, nhiều hơn là bởi người giải bài toán. Công nghệ số Việt Nam phát triển thì đất nước này cũng sẽ phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cam kết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi Lễ
Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá cao nỗ lực của Ngành TT&TT trong việc kết nối toàn bộ cơ sở y tế tuyến huyện trên toàn quốc với nền tảng Telehealth. Trước đây chúng ta mất 45 ngày để kết nối được 1.000 điểm, nhưng lần này chỉ trong 2,5 ngày đã kết nối được 328 điểm tới tất cả các huyện. Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 còn 2 nhiệm vụ nữa là tiêm chủng và xét nghiệm. Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã chuẩn bị rất tích cực cho 2 nhiệm vụ này và đang triển khai trên toàn quốc. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc bắt buộc phải sử dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Với "Sổ sức khỏe điện tử", sau này sẽ triển khai sang một bước nữa, đó là đăng ký khám bệnh, chữa bệnh online, trực tuyến. Như vậy sẽ có một Cổng khám chữa bênh duy nhất cho người dân, người đứng đầu ngành Y tế cho biết.
Ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia
Cũng trong khuôn khổ buổi Lễ, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đồng tổ chức ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (Trung tâm Công nghệ). Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm Công nghệ đã phát triển và cung cấp khoảng 20 nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, trong đó có: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Quang cảnh buổi lễ
Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc. Vì là nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung nên phòng, chống dịch sẽ hiệu quả. Dịch bệnh là toàn quốc, và chỉ có sử dụng nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung mới giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch.
“Các nền tảng số dùng chung toàn quốc sẽ biến Việt Nam thành một cơ thể thống nhất, chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được tình hình trên diện rộng toàn quốc, mới có thể ứng nhanh, linh hoạt, hành động thống nhất và triệt để, và vì vậy mà có sức chống chịu cao; với cái mới thì sự tự giác chỉ đến sau khi bắt buộc; dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu sẽ luôn chỉ ra cho chúng ta cả đường gần và gợi ý cho chúng ta đường xa phía trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng giới thiệu các nền tảng công nghệ dùng chung trong phòng, chống Covid-19. (Ảnh: Anh Dũng)
Đối với các nền tảng công nghệ dùng chung được Bộ TT&TT giới thiệu tại Lễ ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt ấn tượng với Công cụ đánh giá mức độ tuân thủ Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội ở các tỉnh thành. Phần mềm này cung cấp dữ liệu thời gian thực về tình hình thực hiện giãn cách tại các địa phương và có sự so sánh giữa các tỉnh thành với nhau. Theo đó, có những địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, mật độ điểm dừng của người dân từ chỗ làm về nhà giảm 50% so với thời kỳ trước giãn cách, trong khi tại một số địa phương khác chỉ giảm khoảng 10-20%.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lãnh đạo, nhân viên Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia
Bộ TT&TT cập nhật biểu đồ này cho Thủ tướng hàng ngày, đồng thời gửi cho lãnh đạo các địa phương và công bố lên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để lãnh đạo các địa phương và người dân cả nước được biết. Người dân cả nước hãy cùng đồng lòng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhằm đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Thủ tướng chỉ đạo.
Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia sau 2 tháng thành lập (đầu tháng 6/2021), đã thu hút sự chung tay của gần 20 doanh nghiệp công nghệ số từ miền Bắc đến miền Nam, của hàng nghìn cán bộ, chuyên gia công nghệ, lập trình viên trong và ngoài nước. Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, Trung tâm còn có sự tham gia chung tay của nhiều doanh nghiệp khác như: BKAV, CMC, FPT hay gần đây là Sovico. Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia sẽ cùng với các Tổ công nghệ Covid-19 tại địa phương - với nòng cốt là lực lượng Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế, sẽ hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. |
Giang Phạm (mic.gov.vn)