Tham gia cung cấp thực phẩm cho người dân ở cả “vùng đỏ”, dẫu biết sẽ có nguy cơ nhiễm dịch song những ánh mắt hoen đỏ, những lời nhắn nhủ “Con ơi, nhớ quay lại nhé!” là động lực tiếp sức nhân viên bưu chính trong vùng dịch.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu
Trong gần 1 tháng qua, cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân ở những địa phương đang giãn cách xã hội là nhiệm vụ được các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là 2 doanh nghiệp lớn Vietnam Post và Viettel Post đặt ưu tiên số 1. Cũng từng ấy ngày, cả mạng lưới bưu chính của các đơn vị được huy động đảm bảo duy trì, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Ở các địa phương vùng dịch như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ…, ngay cả những địa bàn cách ly, hạn chế đi lại cũng có đội ngũ nhân viên bưu chính tham gia cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Điều này phần nào giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình an tâm chống dịch. Người dân các tỉnh đang giãn cách không phải quá lo lắng bị thiếu thực phẩm, hàng hóa hay gặp khó khăn khi mua hàng. Thậm chí, ngay cả trong khu vực cách ly, người dân vẫn được cung cấp trứng, thịt, rau xanh.
Các doanh nghiệp bưu chính đều đang áp dụng chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin trước cho đội ngũ nhân viên điểm bán hàng bình ổn, bưu tá.
Các cán bộ, nhân viên bưu chính hiểu rõ họ đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh. Đó cũng là lý do tại các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, 2 doanh nghiệp đều ưu tiên tiêm vắc-xin trước cho đội ngũ nhân sự luôn tiếp xúc với khách hàng như: nhân viên điểm bán hàng bình ổn, bưu tá.
Theo thống kê, 100% cán bộ, công nhân viên Vietnam Post tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin; còn tại Hà Nội, tỷ lệ này là hơn 60%. Với Viettel Post, toàn bộ cán bộ, nhân viên TP.HCM đã được tiêm vắc xin; việc này tiếp tục được triển khai ở các tỉnh, thành đang giãn cách khác.
Để bảo vệ sức khỏe của nhân viên và khách hàng, các doanh nghiệp bưu chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp công nghệ giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Cụ thể, Viettel Post có các ứng dụng nội bộ hỗ trợ theo dõi quãng đường đi, lượt khách hàng tiếp xúc của bưu tá trong thời gian làm việc. Với Vietnam Post, ứng dụng phát Ding Dong dành cho bưu tá và phần mềm điều tin PacknSend là 2 giải pháp đang được sử dụng, cho phép đơn vị nắm bắt được tình hình phát hàng.
Đối mặt với nguy cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân
Trao đổi với ICTnews, bưu tá Bùi Đức Long, bưu cục phát Đống Đa 2 chia sẻ, lo lắng về nguy cơ bị nhiễm dịch vì hàng ngày vẫn phải ra đường làm việc, tiếp xúc với nhiều người là suy nghĩ thường nhật trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh. “Tuy vậy, thời điểm này, mỗi chúng tôi vẫn luôn xác định mình có trách nhiệm cùng toàn ngành đảm bảo chuyển phát an toàn, kịp thời tài liệu, bưu gửi, hàng hóa đến các cơ quan, người dân trên địa bàn”, anh Long nói.
Tham gia bán thực phẩm, hàng thiết yếu ở Bình Dương, một trong những “điểm nóng” dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt, nhân viên Viettel Post Bình Dương cho hay, thời gian qua, chị và các cán bộ, nhân viên trong chi nhánh làm việc liên tục không kể ngày đêm, tối tạo combo để sáng hôm sau giao sớm cho người dân, ban ngày tổ chức điểm bán lưu động. Nhiều hôm chỉ có 1 - 2 tiếng về nhà, thậm chí không còn khái niệm về thời gian, không nhớ ngày nào là Chủ nhật.
Viettel Post đã tổ chức nhiều điểm bán thực phẩm bình ổn tại các địa phương đang giãn cách
Cũng như các nhân viên bán hàng, giao hàng thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch, chị Nguyệt cũng lo lắng và luôn tuân thủ quy định phòng chống dịch, không tiếp xúc gần và mặc đồ bảo hộ khi tham gia cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu cho những người dân đang phải cách ly y tế.
“Chương trình bán hàng bình ổn giá được doanh nghiệp bưu chính triển khai mang nhiều ý nghĩa cho người dân Bình Dương. Chúng tôi thấy mình đã làm được một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn”, chị Nguyệt tâm sự.
Điều đọng lại với chị Nguyệt cũng như đội ngũ người lao động bưu chính đang cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm là những kỷ niệm, sự mong đợi của người dân ở các khu vực cách ly, hạn chế đi lại. “Mọi người đều cảm ơn những việc chúng tôi đang làm. Có những cô, những chú cứ nhắn nhủ, nhắc đi nhắc lại “Con ơi nhớ quay lại nhé con!”. Mỗi khi nghe các cô chú nhắn, tôi đều rất xúc động. Những người dân trong khu vực phong tỏa còn thiếu thốn nhiều. Đây là một phần lý do để tôi sẵn sàng tham gia giúp đỡ cho họ dù biết mình có thể gặp không ít rủi ro, nguy cơ bị lây nhiễm dịch”, chị Nguyệt chia sẻ.
Với bưu tá Nguyễn Chí Toại của Chi nhánh Viettel Post Bình Dương, sự vui mừng, rạng rỡ của người dân, nhất là những người ở khu vực phong tỏa khi nhận đơn rau củ quả, thực phẩm giúp anh có thêm động lực làm việc.
Nhắc đến những kỷ niệm trong thời gian phát hàng hóa thiết yếu, anh Toại đến giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh, sự cảm động của một nữ khách hàng trong khu vực phong tỏa khi nhận đơn hàng có thịt, rau được một khách hàng khác nhường nhận trước.
“Cô khách hàng đó đặt mua sườn, thịt nhưng do đặt trễ nên hàng đã hết. Cô tâm sự cả tuần nay nhà cô toàn ăn mì tôm, thèm thịt với rau xanh. Sau khi xin ý kiến trưởng đơn vị và liên hệ với khách hàng đặt mua trước, tôi đã chuyển hàng cho cô trước. Cô ấy cảm ơn tôi mà khóe mắt hoen đỏ vì xúc động”, anh Toại nhớ lại.
Theo ictnews.vietnamnet.vn