Sáng 7/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng lãnh đạo Sở TT&TT Hà Tĩnh chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động ứng dụng CNTT trong các cấp, các ngành đã được quan tâm, ứng dụng khá đồng đều. Mạng lưới truyền dẫn, internet băng thông rộng đã đáp ứng đủ 100% đơn vị hành chính trong toàn tỉnh, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Việt Hùng: Mong muốn thời gian tới, Ban chỉ đạo CNTT quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng, ứng dụng CNTT cho đội ngũ cấp xã
Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh. Dịch vụ công trực tuyến mức 1, 2 đã được cung cấp 100% trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và toàn tỉnh đã có 748 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời có 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, thư điện tử phát huy hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Quốc Anh mong muốn được đầu tư máy móc, trang thiết bị giúp đỡ các trường học trong giảng dạy bộ môn tin học
Về an toàn thông tin, 6 tháng đầu năm, ghi nhận tại các hệ thống thông tin của tỉnh ta có xảy ra 87 lượt đơn vị nhiễm mã độc Botnet trên địa bàn; 1 phần mềm phần mềm CSDL bị tấn công thay đổi giao diện; 2 Cổng thông tin điện tử bị tấn công thay đổi giao diện... Tất cả các trường hợp trên đã được các đơn vị phối hợp với bộ phận chuyên trách an toàn thông tin của tỉnh, công an tỉnh và cơ quan chuyên trách an toàn thông tin quốc gia kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả.
Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Phan Thị Tố Hoa: Cần sớm thực hiện kết nối liên thông hệ thống điều hành chung giữa Tỉnh ủy - UBND tỉnh - HĐND tỉnh; tăng cường tuyên truyền tại các địa phương, các cơ quan về CNTT, CCHC
Theo đánh giá của Bộ TT&TT về mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2016, so với 63 tỉnh thành trong cả nước Hà Tĩnh đứng thứ 17 về hạ tầng kỹ thuật; thứ 10 về ứng dụng CNTT trong nội bộ; thứ 16 về cổng thông tin điện tử; thứ 38 về nhân lực CNTT; thứ 9 về dịch vụ công trực tuyến và cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả đạt được ở mức ban đầu, chưa thỏa mãn mục tiêu trong định hướng xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới đô thị thông minh và hỗ trợ doanh nghiệp hòa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử trong 4 giai đoạn cần thực hiện, tỉnh ta đã bước sang giai đoạn 3 là cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sẵn sàng giao dịch trực tuyến với người dân nhưng mới sơ khai, số số lĩnh vực và giao dịch còn rất ít. Giai đoạn 1 (hiện diện), giai đoạn 2 (tương tác) đã thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả cao.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh - Trưởng Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc của Ban chỉ đạo, đặc biệt Sở TT&TT đã bám sát các danh mục trong kiến trúc chính quyền điện tử, tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh, các kế hoạch, quyết định mà UBND tỉnh đã ban hành về CNTT; duy trì và nâng cao các chỉ số ứng dụng CNTT đã có; tập huấn và nâng cao chất lượng cán bộ CNTT; từng bước triển khai xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh; nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối liên thông điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND và HĐND tỉnh; tập trung đưa hoạt động của trung tâm hành chính công vận hành liên tục, thông suốt.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cho người dân trong ứng dụng CNTT giải quyết thủ tục hành chính... Đồng thời, tiến hành đợt kiểm tra trong năm 2017 để đánh giá sát đúng quá trình triển khai, thực hiện ứng dụng CNTT tại các sở, ngành, đơn vị. Xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2018 trên tinh thần bám sát kế hoạch của tỉnh và điều chỉnh quy hoạch KT-XH của tỉnh.
Theo baohatinh.vn