Ngày 26/7/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo định danh điện tử trong nền kinh tế số tại Việt Nam. Thứ trưởng Phan Tâm đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự còn có đại biểu các đơn vị chuyên trách CNTT, các nhà mạng viễn thông và chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định “niềm tin là vấn đề cơ bản trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số”. Tính bảo mật, tính riêng tư là mối quan tâm của người dân khi tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến từ thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến qua các cổng thông tin do nhà nước quản lý.
Do đó, Chính phủ cần phải xây dựng các khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, tính minh bạch, khả năng kiểm soát và trách nhiệm giải trình.
Nhiều nước trên thế giới như Canada, Phần Lan, Estonia, Đức, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc đã triển khai thành công hệ thống định danh điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển thương mại điện tử.
Thứ trưởng Phan Tâm cho hay, tại Việt Nam, Chính phủ nhận thức rất rõ vai trò của CNTT-TT trong phát triển kinh tế xã hội. Quyết tâm của Chính phủ được thể hiện với nhiều chủ trương, chính sách trong thời gian vừa qua về xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý về định danh điện tử còn chưa hoàn thiện. “Việc xác thực danh tính người dân sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác vẫn còn rất phổ biến, gây bất tiện cho người dân và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ”, Thứ trưởng lưu ý.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng bổ sung khung khổ pháp lý về định danh điện tử là rất cần thiết, tạo điều kiện thúc đẩy triển khai các dịch vụ định danh điện tử tin cậy, góp phần phát triển các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam và hướng đến một số mục tiêu quan trọng như: Xây dựng hạ tầng số, tạo nền tảng hiện thực hóa các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số; Khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong hoạt động triển khai các dịch vụ trực tuyến cả ở khu vực công và khu vực tư nhân; Tạo môi trường thuận lợi để người dân có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của chính phủ và các tổ chức tư nhân, và tiếp nhận các phúc lợi xã hội theo quyền lợi chính đáng; Đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường giao dịch tin cậy giữa các bên tham gia.
Toàn cảnh Hội thảo
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, Hội thảo là cơ hội để các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xây dựng định danh điện tử và các dịch vụ xác thực định danh điện tử tin cậy, phục vụ hoạt động giao dịch điện tử. Hội thảo sẽ rất hữu ích trong việc giúp Bộ TT&TT xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có quyền ban hành các chính sách, quy định liên quan đến định danh điện tử, xác thực điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, bà Jeanette Whyte, Giám đốc Chính sách công của Hiệp hội Viễn thông GSMA chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Phan Tâm rằng, tin cậy là quan trọng nếu các công dân chấp nhận các dịch vụ định danh số.
Giải pháp Mobile Connect được GSMA đề xuất từ năm 2014 đã tổng quát hóa từ các giải pháp Mobile ID đã triển khai, bao gồm 4 nhóm dịch vụ: xác thực, cấp quyền thực hiện và cung cấp thông tin thuộc tính cá nhân và dịch vụ định danh (Authentication, authorization, attributes and identity services).
Mobile Connect đề ra 1 khuôn khổ bảo đảm an ninh, tăng quyền riêng tư cho người dùng. Mobile Connect cũng đưa ra các chứng thực để bảo đảm an ninh, sử dụng giải pháp số dựa trên đa nền tảng để tăng cường tính an ninh bảo mật cho khách hàng.
Hệ thống Mobile Connect cho phép người dùng có quyền lựa chọn họ biết thông tin nào có thể chia sẻ hoặc không chia sẻ để bảo đảm quyền riêng tư.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Jerome Actis, Trưởng phòng kỹ thuật kết nối di động, Tập đoàn Orange cho biết, bí quyết thành công khi triển khai Mobile Connect của Orange chính là việc Tập đoàn này có mặt tại nhiều quốc gia, đồng loạt triển khai Mobile Connect trên nhiều thị trường. Pháp là thị trường đầu tiên ứng dụng giải pháp Mobile Connect của Orange. Pháp đã sử dụng Mobile Connect để xác nhận bằng lái cho công dân. Tuy nhiên, Tây Ban Nha mới là thị trường thành công của Orange với hơn 2 triệu người sử dụng Mobile Connect, ông Jerome Actis nhấn mạnh.
Theo mic.gov.vn