Quy định về việc sử dụng giấy giới thiệu đã rất rõ ràng, cụ thể. Vấn đề cốt yếu bây giờ là các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí cần nghiêm túc triển khai quy định này.
Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục tiến hành kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng phóng viên, cộng tác viên lạm dụng giấy giới thiệu để gây phiền phức cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Như Báo Bưu điện Việt Nam đã nêu, tình trạng phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí lạm dụng giấy giới thiệu gây phiền hà cho các tổ chức, doanh nghiệp đã gây bức xúc lớn trong dư luận.
Để chấn chỉnh tình trạng này, năm 2016, Bộ TT&TT đã có Văn bản số 3366 gửi các cơ quan báo chí đề nghị kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc cấp các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo. Trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho phóng viên đi tác nghiệp phải đảm bảo quy định của pháp luật, phải ghi rõ đi làm việc với cơ quan tổ chức nào, nội dung gì và thời gian cụ thể.
Từ đó đến nay, tình trạng phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí lạm dụng giấy giới thiệu hoặc sử dụng vào mục đích phi pháp đã giảm, song vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Vẫn có cơ quan báo chí quản lý, sử dụng giấy giới thiệu phóng viên sai quy định. |
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam về câu chuyện này, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng Phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: “Bộ TT&TT đã phát hiện ra hiện tượng đó và có văn bản chỉ đạo chung, yêu cầu các cơ quan báo chí phải chấp hành nghiêm túc.
Thời gian qua, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra ở các địa bàn để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí nói chung, trong đó có đề cập đến nội dung cấp giấy giới thiệu cho phóng viên đi tác nghiệp.
Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, điển hình như: Cấp giấy giới thiệu có nội dung không rõ ràng, ghi chung chung, người được cấp giấy giới thiệu có thể đến tất cả các địa phương và làm việc với các ban ngành; Thời hạn của giấy giới thiệu rất dài, nhiều giấy giới thiệu được cấp ghi thời hạn 1 năm, thậm chí có những giấy giới thiệu được thiết kế dưới dạng thẻ, ép plastic rất cẩn thận cho phóng viên sử dụng…
Từ khi Bộ TT&TT ban hành Văn bản số 3366 đến thời điểm này, tình hình đã được cải thiện rất rõ rệt. Song theo phản ánh từ cơ sở, tình trạng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt và Bộ vẫn đang tiếp tục kiểm tra để chấn chỉnh”.
Cũng theo ông Ngô Huy Toàn, trong công tác quản lý nói chung, hệ thống chế tài luôn là công cụ quan trọng, cần thiết. “Theo tôi, Bộ Nội vụ cần có quy định cụ thể hơn nữa về việc cấp giấy giới thiệu cho các lĩnh vực đặc thù, trong đó có báo chí. Về phía Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về cấp, sử dụng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí.
Ở đây, vai trò quan trọng nhất vẫn là của cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, vì khi cấp công cụ cho phóng viên đi tác nghiệp, càng làm chặt thì cơ quan báo chí càng kiểm soát tốt hoạt động của phóng viên. Mặt khác, khi cấp giấy giới thiệu có nội dung chung chung, phạm vi làm việc rộng, không được xác định cụ thể thì cơ quan báo chí sẽ không kiểm soát được thực sự phóng viên làm gì và ở đâu.
Do đó, các cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường hơn nữa việc cấp giấy giới thiệu đi tác nghiệp báo chí. Cơ quan chủ quản báo chí cần tăng cường công tác quản lý đối với cơ quan báo chí, có hình thức xử lý phù hợp đối với lãnh đạo cơ quan báo chí nếu vi phạm nhiều lần. Xử lý phải làm từ gốc, nếu chỉ xử lý phóng viên thì không bao giờ hết được”, ông Ngô Huy Toàn nói.
Bên cạnh việc siết chặt quản lý, xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng giấy giới thiệu, ông Ngô Huy Toàn cũng lưu ý thêm: “Hoạt động báo chí có đặc thù nhất định, ví dụ như đòi hỏi thời gian nhanh tức thì, nhiều sự kiện chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nếu thời gian cấp giấy giới thiệu quá lâu thì phóng viên không thể tác nghiệp được. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để tìm giải pháp vừa phù hợp quy định của pháp luật vừa đáp ứng nhu cầu tác nghiệp mang tính thời sự của phóng viên”.
Xâu chuỗi lại các vấn đề liên quan tới tình trạng vi phạm, lạm dụng giấy giới thiệu của các phóng viên, cộng tác viên, có thể khẳng định rằng đến giờ, những quy định về mẫu giấy giới thiệu do Bộ Nội vụ ban hành đã rất cụ thể, tất cả các cơ quan, tổ chức đơn vị đều phải tuân thủ, trong đó các cơ quan báo chí không phải là ngoại lệ.
Quy định đã có sẵn, vấn đề là thực thi thế nào. Yếu tố quan trọng nhất ở đây chính là sự nghiêm túc trong triển khai các quy định pháp luật của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; nghiêm túc siết chặt quản lý, kiểm soát để phòng ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm phát sinh.
Bình Minh (Báo Infonet)