Những bất cập trong việc quản lý, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên, một vấn đề nóng đối với các nhà quản lý báo chí cũng như các tòa soạn báo, đã được đề cập từ lâu nay song đến giờ vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo phản ánh của lãnh đạo Sở TT&TT Nghệ An: “Trước đây, nhiều giấy giới thiệu của các anh em báo chí ghi khá lung tung, có giấy ghi thời hạn từ 1/1 đến 31/12 của năm luôn để tiện đến các cơ quan, ban, ngành, đơn vị để làm việc. Có những giấy giới thiệu do đi nhiều nơi quá đã nhàu nát. Có những tuần các ủy ban xã, phường tiếp 3 – 4 đoàn phóng viên nhưng không ít trường hợp trong đoàn chỉ có 1 phóng viên có giấy giới thiệu, còn cộng thêm 5 – 7 anh cộng tác viên, thậm chí cộng tác viên của cộng tác viên đi cùng”.
Ghi nhận hiện trạng này, tại một cuộc họp gần đây về việc quản lý các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc còn nêu một thông tin đáng giật mình hơn: “Nhiều văn phòng đại diện cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên tràn lan, có cả loại giấy chứng nhận phóng viên, phát sinh tình trạng bán giấy giới thiệu, giấy chứng nhận. Có trường hợp bán cả giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cho đối tượng không liên quan báo chí, thậm chí bán cho người buôn bán sắt thép, lợi dụng để đi làm”.
Khâu quản lý giấy giới thiệu của nhiều tòa soạn báo còn chưa chặt chẽ, dễ tạo điều kiện cho việc lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân. Ảnh minh họa. |
Theo tìm hiểu của Báo Bưu điện Việt Nam, đã có không ít cơ quan báo chí không quản lý chặt việc cấp giấy giới thiệu, để cho các doanh nghiệp truyền thông lợi dụng dùng giấy giới thiệu đó “tự tung tự tác” đi kiếm hợp đồng quảng cáo, truyền thông để tư lợi, gieo tiếng xấu cho chính cơ quan báo chí đó. Mới đây, đã có cơ quan báo chí phải thay đổi mẫu giấy giới thiệu để siết chặt việc quản lý, sử dụng loại giấy tờ này.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp cấp khống giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí đều nhằm mục đích xấu. Với góc nhìn của người trong cuộc, ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ một trong những nguyên nhân khiến nhiều tòa soạn báo phải làm “lệch chuẩn”: “Điều kiện thực tế một số địa bàn ở Tây Nguyên và Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, nếu xảy ra vụ việc nào đó, lực lượng của Báo làm ở đó không phải ai cũng có thẻ nhà báo, nếu chờ ngoài này (trụ sở Báo tại Hà Nội - PV) gửi giấy giới thiệu vào thì sự việc đã diễn tiến quá xa rồi, chúng tôi không đáp ứng được công việc”.
Để hạn chế kẽ hở trong việc sử dụng giấy giới thiệu, tại Báo Tiền Phong, mỗi giấy giới thiệu được cấp đi đều đánh số. Sau khi trưởng ban đại diện điền số vào giấy giới thiệu thì đều phải chụp ảnh gửi ra tòa soạn để lắp ghép vào sổ ghi số giấy giới thiệu, kiểm soát từng giấy giới thiệu, từng địa chỉ.
“Bộ TT&TT cần có hướng dẫn về việc sử dụng giấy giới thiệu phù hợp cho chúng tôi biết, đảm bảo yêu cầu tác nghiệp của báo chí hiện đại, vừa đảm bảo hoạt động quản lý. Đôi khi đời sống chạy trước vai trò quản lý, cấm thì rất khó. Cần có cách để anh em làm báo yên tâm là mình không làm sai, nhưng không thể lạm dụng để xảy ra sai phạm”, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong kiến nghị.
Cùng tìm giải pháp cho câu chuyện quản lý giấy giới thiệu của các cơ quan báo chí, lãnh đạo Sở TT&TT Nghệ An cũng thừa nhận: “Nếu cứ yêu cầu đi 1 nơi 1 giấy giới thiệu thì cũng khó. Ví dụ về xã A làm việc phải có 1 giấy giới thiệu, ngày mai sang xã B lại có 1 giấy giới thiệu khác thì rất khó cho các cơ quan báo chí. Nhưng nếu có 1 giấy giới thiệu mà xã nào đưa ra cũng được thì cũng dở. Giờ tòa soạn cứ ghi chung chung là gửi các cơ quan ban ngành địa phương, nghĩa là Hà Tĩnh cũng đi được, Thanh Hóa cũng đi được thì cũng không ổn. Phải có sự thống nhất về khâu quản lý giấy giới thiệu để tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí nhưng cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị ở cơ sở khi làm việc với anh em báo chí”.
** Kỳ II: Đề xuất ứng dụng giấy giới thiệu điện tử
Bình Minh (Báo Infonet)