Trong thời gian vừa qua, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do vậy, ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối trên mạng. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn thông tin mạng khi các thiết bị này bị lây nhiễm các loại phần mềm độc hại. Thực trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang có những diễn biến phức tạp.
Nhận thấy vấn đề này, cùng với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4163/UBND-KGVX1 ngày 13/7/2018 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền rộng rãi về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phòng, chống mã độc trong các hoạt động trên môi trường mạng để các tổ chức, cá nhân hiểu biết, chủ động phòng, tránh. Định kỳ hàng quý, tổ chức cập nhật kiến thức, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng xử lý các mối nguy hại của mã độc và quán triệt trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống mã độc cho đội ngũ CIO, chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước. Tham mưu Kế hoạch ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019 và tổ chức thực hiện xác định cấp độ an toàn các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin theo quy định.
Bên cạnh đó, Đơn vị chuyên trách về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Hà Tĩnh (Trung tâm CNTT và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông) thực hiện nghiên cứu, đề xuất giải pháp phòng, chống mã độc đáp ứng yêu cầu quản trị tập trung và có biện pháp cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới để bảo vệ 100% máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan tại các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức theo dõi, thống kê chỉ số lây nhiễm mã độc trên các thiết bị đầu cuối, các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh.
UBND tỉnh cũng giao các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sử dụng chữ ký số đối với toàn bộ các văn bản điện tử (trừ các văn bản bắt buộc phải ký trực tiếp) để giao dịch trong các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1538/QĐ-UBND ngày 14/06/2016 của UBND tỉnh về việc quy định loại hình văn bản chỉ gửi bản điện tử, loại hình văn bản chỉ gửi bản giấy và loại hình văn bản gửi cả bản giấy và bản điện tử giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các dự án đầu tư, các hoạt động ứng dụng CNTT hoặc thuê dịch vụ CNTT được triển khai thực hiện từ năm 2018 trở đi phải phải có cấu phần phù hợp cho giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, giải pháp phòng, chống mã độc. Khi mua sắm các thiết bị điện tử có kết nối Internet (như camera giám sát, router, modem DSL v.v…) cần thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin; thực hiện thiết lập các thông số cấu hình cho phù hợp và an toàn trước khi đưa vào sử dụng, tuyệt đối không sử dụng cấu hình mặc định./.
Phan Giáp
Tham khảo văn bản tại đây:
http://qppl.hatinh.gov.vn/vbpq_hatinh.nsf/34690d18aaf6f56a47257790002cf5ab/6A5EE5A9D5C84894472582C9003670FF/$file/CV4163.signed.pdf