Không chỉ quan tâm tới vấn đề công nghệ, các sản phẩm CNTT Số triển vọng bảo vệ chung khảo Nhân tài Đất Việt 2019 hôm nay, 12/11, còn được Hội đồng giám khảo đặc biệt chú ý tới các phương án kinh doanh, phát triển trên thị trường của sản phẩm.
2019 là năm thứ hai hệ thống Sản phẩm Số triển vọng được đưa vào hệ thống giải thưởng CNTT Nhân tài Đất Việt. Lĩnh vực Sản phẩm Số triển vọng tiếp tục thu hút sự quan tâm cũng như được nhiều tác giả, nhóm tác giả tham gia dự thi với chất lượng sản phẩm khá đồng đều. Do đó, cuộc đua giành giải cao Nhân tài Đất Việt của các nhóm tác giả trong vòng bảo vệ Chung khảo lại càng “nóng” hơn bao giờ hết…
Theo thứ tự, nhóm tác giả đầu tiên bảo vệ chung khảo tại Hội đồng linh vực CNTT Số triển vọng đến từ Công ty Cổ phần CSUPPORTER, với sản phẩm ICORRECT - Ứng dụng luyện thi và nói tiếng Anh. ICORRECT - Ứng dụng luyện thi và nói tiếng Anh của nhóm tác giả đến từ công ty Cổ phần CSUPPORTER là ứng dụng giúp người học tiếng anh có được môi trường để luyện tập kỹ năng nói được thiết kế mô phỏng theo phòng thi kỹ năng nói của kỳ thi quốc tế IELTS. Từ đó người học để có thể tự luyện tập và cải thiện kỹ năng nói tiếng anh mọi lúc mọi nơi.
Đại diện nhóm tác giả ICORRECT - Ứng dụng luyện thi và nói tiếng Anh đang trả lời "chất vấn" của Hội đồng giám khảoVới thời gian được Hội đồng Giám khảo yêu cầu bảo vệ trong thời gian 15 phút, nhóm đã "về trước" tới 30 giây. Trong thời gian 25 phút còn lại dành cho hỏi đáp, nhóm tác giả sản phẩm đầu tiên "được" các giám khảo “quay” nhiều về vấn đề kỹ thuật của sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề thị trường cũng được giám khảo dành sự quan tâm.
Dịch vụ định danh xác thực điện tử eKYC (Electronic Know Your Customer) của nhóm tác giả đến từ Trung tâm Sáng tạo - Công ty Công nghệ Thông tin VNPT bảo vệ sản phẩm thứ hai tại Hội đồng. Giải pháp định danh xác thực điện tử eKYC nhằm giải quyết vấn đề xác thực danh tính giữa hồ sơ giấy và chủ thông tin, dựa trên công nghệ AI để bóc tách thông tin, phân loại giấy tờ, so khớp khuôn mặt xác thực người dùng, chống giả mạo, kết hợp công nghệ Blockchain lưu trữ và bảo mật giao dịch.
Nhóm tác giả dịch vụ định danh xác thực điện tử eKYC (Electronic Know Your Customer)Mặc dù có chút trục trặc lúc ban đầu trong việc setup thiết bị, song nhóm khá tự tin trong việc bảo vệ sản phẩm và đặc biệt là trả lời các “chất vấn” của hội đồng giám khảo. Những câu hỏi chủ yếu về vấn đề công nghệ, khả năng xác thực của phần mềm và đặc biệt, những công nghệ được ứng dụng trong giải pháp đó là AI và Blockchain.
Phần bảo vệ tiếp theo thuộc về nhóm tác giả Công ty TNHH Hệ thống Trí thông minh Nhân tạo Việt Nam với phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản, gọi tắt là "Origin-STT". Origin-STT là phần mềm hỗ trợ chuyển từ giọng nói thành văn bản, và gỡ băng với độ chính xác trung bình lên tới 93,6%. Mới đây, tại buổi trả lời chất vấn Quốc hội chiều 8/11/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đánh giá phần mềm chuyển đổi tiếng nói sang văn bản được Quốc hội lựa chọn sử dụng còn có chất lượng tốt hơn cả phần mềm tương tự được Hội nghị Viễn thông thế giới sử dụng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phần mềm của Việt Nam không kém gì, thậm chí chuyển đổi từ tiếng nói sang văn bản còn nhanh hơn, độ chính xác cao, độ trễ thấp hơn... Phần mềm chuyển đổi tiếng nói sang văn bản được Quốc hội sử dụng trong kỳ họp chính là phần mềm mang tên Origin-STT.
Nhóm tác giả phần mềm tự động chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt sang văn bản Origin-STTKhá hài lòng về các khía cạnh công nghệ, ứng dụng AI của sản phẩm, song các giám khảo trong Hội đồng cho rằng thị trường của giải pháp vẫn còn khá hẹp. Điều đề nghị và cũng là quan tâm của giám khảo với sản phẩm Origin-STT đó là làm sao có thể mở rộng thị trường cho sản phẩm trong tương lai. Điểm yếu duy nhất của Origin-STT hiện giờ là phương án kinh doanh. Nếu xử lý được yếu tố này, sản phẩm Origin-STT sẽ thực sự “mười phân vẹn mười”.
Với Sản phẩm Hệ thống số hóa thông minh D-IONE của nhóm tác giả đến từ công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, Hội đồng giám khảo đánh giá bước đi của doanh nghiệp bền bỉ, có một thị trường tốt khi đã phát triển sản phẩm tới 12 năm. Sức sống của sản phẩm đã được khẳng định, bước đi rất phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số hiện nay. Tuy nhiên, giám khảo vẫn băn khoăn những sản phẩm lõi mà nhóm công bố có thật sự như thế hay không? Được biết, D-IONE là một giải pháp phần mềm đơn giản cho người dùng cá nhân thông qua máy quét và máy tính có thể tạo các tệp điện tử truyền thống như các tệp pdf, jpg để lưu trữ trên các máy tính cá nhân đơn lẻ, có kết nối về dữ liệu với nhau trong một nhóm các cá nhân sử dụng chung dữ liệu.
Nhóm tác giả sản phẩm Hệ thống số hóa thông minh D-IONENhóm tác giả bảo vệ cuối trong buổi sáng nay của Hội đồng Sản phẩm CNTT Số triển vọng đó là Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh của nhóm tác giả Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội. Bộ sản phẩm là giải pháp toàn diện về việc quản lí, vận hành, lưu trữ, mã hóa thông tin cho hệ thống camera an minh. Bao gồm: Phần mềm quản lý video đa năng, hệ thống quản trị trung tâm, Bộ Phần mềm lưu trữ và Thiết bị Phần cứng.
Nhóm tác giả giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh bảo vệ sản phẩmBảo vệ sản phẩm vào đầu giờ chiều, sản phẩm Dịch vụ cho thuê giải pháp chứng thực tập trung VNPT Ký số của nhóm tác giả đến từ Phòng Giải pháp phần mềm số 1 - Trung tâm giải pháp Chính phủ Điện tử - Công ty Công nghệ Thông tin đã nhận được nhiều chia sẻ, góp ý từ phía Hội đồng giám khảo.
Nhóm tác giả sản phẩm V-Chain: nền tảng phát triển và triển khai ứng dụng phi tập trung trên công nghệ Blockchain của nhóm tác giả Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã giành được nhiều câu hỏi từ phía Hội đồng giám khảo xung quanh việc ứng dụng công nghệ của sản phẩm. Được biết, V-Chain hướng tới các nhà lập trình tại các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ có nhu cầu sử dụng công nghệ blockchain, cung cấp giao diện dễ dàng sử dụng cho phép các nhà lập trình định nghĩa tác nhân, các đối tượng dữ liệu và thuộc tính của nó tương thích với ứng dụng của doanh nghiệp.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, báo điện tử Dân trí phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đồng tổ chức thực hiện từ năm 2005 với mục tiêu ban đầu là tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam. Bước sang năm thứ 15, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục khẳng định được sức sống và vị thế của một giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực CNTT với sự bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2019 sẽ được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 đường Nguyễn Tri Phương, Hà Nội vào tối 15/11, và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. |
Theo vnmedia.vn