Với quy mô dân số trên 625 triệu người, 70% ở độ tuổi dưới 40, và có nền kinh tế Internet dự báo đạt trên 240 tỷ USD vào năm 2025, ASEAN đang được coi là khu vực có tiềm năng rất lớn phát triển nền kinh tế số. Trong đó, phát triển nội dung số bản địa là một trong những yếu tố quan trọng để bứt phá.
Quang cảnh hội thảo
Sáng ngày 22/11, tại Hà Nội, Viện chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN”. Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phát triển nội dung số từ các nước thành viên ASEAN, tổ chức UNDP, Viện Phát triển CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA), đại diện các Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp ICT và các doanh nghiệp cung cấp nội dung số VNPT, MobiFone, Viettel,…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết, ở khu vực ASEAN, nhiều người dân vẫn chưa được kết nối mạng. Để tăng số lượng người kết nối mạng, một trong những giải pháp là thúc đẩy các nội dung số bản địa, tuy nhiên các nội dung này vẫn còn đang rất thiếu.
Ông Triệu Minh Long cũng cho rằng: “Chúng ta đã có nhiều sáng kiến về xây dựng, phát hạ tầng kết nối, nhưng chưa có nhiều ứng dụng, nội dung”. Việc thiếu các nội dung bản địa là thách thức cho việc gia tăng kết nối mạng, ông Long nói.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện chiến lược TT&TT: “Chúng ta sử dụng nội dung số hàng ngày. Nội dung số có nhiều tiềm năng để phát triển ở ASEAN. Tuy nhiên việc phát triển vẫn còn đang ở giai đoạn đầu và có khoảng cách rất khác nhau tại mỗi nước. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, ASEAN số sẽ tạo ra khoảng 150 tỷ USD doanh thu hàng năm”.
Tháo bỏ mọi rào cản để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Thăm dò tại khu vực ASEAN cho thấy, tất cả các nước đều thống nhất chung một nhận định rằng nội dung bản địa số là lĩnh vực quan trọng cần phát triển.
Tại khu vực ASEAN, 100% các nước đã có nội dung bản địa được số hóa, 87% các nước có đơn vị phụ trách phát triển và hỗ trợ nội dung bản địa số, 67% các nước ASEAN chấp nhận các chuẩn cho sáng tạo nội dung số. Để cụ thể hoá điều này, khoảng 80% các nước ASEAN đã triển khai các sáng kiến nội dung bản địa số.
Kết quả của điều tra còn cho thấy, có một khoảng cách lớn đối với việc phát triển nội dung bản địa số ở các nước ASEAN. Malaysia và Singapore phát triển mạnh nội dung bản địa nhưng vẫn còn thiếu tần suất, môi trường sáng tạo, khung pháp lý và hiểu biết số.
Thái Lan, Indonesia, Phillipines có khoảng cách lớn về cạnh tranh thị trường, tần suất giữa các nhà khai thác và môi trường pháp lý. Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Myanmar và Campuchia chưa đạt được hầu hết các tiêu chí trừ việc hình thành nên một môi trường pháp lý chung.
Theo ông Trần Minh Tuấn, để cách mạng trong lĩnh vực này, cần phải giải quyết các rào cản đối với sự sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ tài chính di động và thương mại điện tử, xây dựng mạng băng rộng, tăng cường nhận thức về các dịch vụ số. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được đặt ra là phải xây dựng nên một hệ sinh thái số bản địa.
Để giải quyết vấn đề này, Viện chiến lược TT&TT đề xuất khởi động một diễn đàn chung để thẩm định các vấn đề đầu tư và phát triển một bản đồ khả thi cho ngành nội dung số. Viện chiến lược TT&TT cũng đề nghị cần xác định khung chiến lược ASEAN cho ngành công nghiệp nội dung số, thúc đẩy việc đào tạo, tăng cường nhận thức về nội dung số.
Một trong những giải pháp được đề ra là thiết lập các cơ chế làm việc với các đơn vị nghiên cứu và phát triển nhằm ưu tiên phát triển các dịch vụ nội dung số. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chuẩn ngành và tăng cường bảo vệ bản quyền số cũng là những giải pháp hữu hiện nhằm phát triển môi trường nội dung số cho các nước ASEAN./.
Theo mic.gov.vn