Phần I. Luật 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch
I. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 về Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản như sau:
“a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản; tổ chức lập nội dung phương án phát triển cơ sở xuất bản trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản và bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản;”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 về Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản như sau:
“1. Nhà nước có chiến lược phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; phương án phát triển cơ sở xuất bản trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản.”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 về Điều kiện thành lập nhà xuất bản như sau:
“4. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động xuất bản.”.
4. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 32 về Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm như sau:
“d) Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.”.
II. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 về Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chínhư sau:
“1. Có chiến lược phát triển và quản lý hệ thống báo chí, phương án phát triển cơ sở báo chí trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 về Nội dung quản lý nhà nước về báo chí như sau:
“1. Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển báo chí; tổ chức lập phương án phát triển cơ sở báo chí trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 8 về Hội Nhà báo Việt Nam như sau:
“c) Tham gia ý kiến xây dựng chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển báo chí, phương án phát triển cơ sở báo chí trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí;”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 17 về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí như sau:
“5. Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 33 về Biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền như sau:
“1. Việc cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được thực hiện với từng kênh chương trình và phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển và quản lý báo chí toàn quốc.”.
6. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 51 về Cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về báo chí, truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình; phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
“b) Có phương án cung cấp dịch vụ phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình;”.
Phần II. Thông tư số 15/2019/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
I. Các quy định chung
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
- Thông tư này hướng dẫn thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2019 (sau đây viết tắt là Đề án), bao gồm: thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án do Nhà nước hỗ trợ; công tác kế hoạch, giám sát, đánh giá, báo cáo và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Đề án.
- Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
2. Các hoạt động của Đề án được nhà nước hỗ trợ bao gồm 03 nhóm nhiệm vụ:
a) Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 1);
b) Xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 2);
c) Tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam; các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Sau đây gọi tắt là Nhiệm vụ 3).
2. Nguyên tắc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án:
a) Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phải xác định cụ thể từng nhiệm vụ hoặc chủ đề thông tin, tuyên truyền; nguồn kinh phí thực hiện;
b) Đảm bảo khách quan, chính xác về nội dung thông tin; tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
c) Đảm bảo bình đẳng, tôn trọng giáo lý, giáo luật, lễ nghi truyền thống của các tôn giáo; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật;
d) Không trùng lặp nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện Đề án; không trùng với nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức;
đ) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quản lý sản phẩm của Đề án để đảm bảo hiệu quả thông tin, tuyên truyền;
e) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
II. CÁC NỘI DUNG CHÍNH
1. Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
* Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc: do Ủy ban Dân tộc chủ trì;
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo: do Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) chủ trì;
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; về những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội: do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.
* Xuất bản, in, phát hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn nêu tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Thông tư này xây dựng bằng kinh phí ngân sách nhà nước được cung cấp, khai thác, sử dụng miễn phí cho các đối tượng quy định tại điểm a, mục 1, phần II Quyết định 219/QĐ-TTg.
- Việc xuất bản, in, phát hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn thực hiện theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
* Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
- Các cơ quan chủ trì tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này, căn cứ mục tiêu, đối tượng tập huấn để quyết định cụ thể về nội dung bồi dưỡng, tập huấn;
- Căn cứ đối tượng, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cụ thể và các quy định hiện hành về quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan chủ trì quyết định thời gian học tập trung ở lớp và thời gian khảo sát, thực hành, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
* Mục đích, yêu cầu về xây dựng chủ đề, tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
- Mục đích: Việc xây dựng chủ đề, tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo để phục vụ tư liệu, tài liệu cho việc sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm tài liệu phục vụ tuyên truyền bằng các hình thức nghệ thuật và các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin, tuyên truyền) và phục vụ các hình thức thông tin, tuyên truyền khác (phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng làm công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong các ngành, lĩnh vực hoặc phổ biến tại các hội nghị, hội thảo; phục vụ tổ chức tìm hiểu kiến thức).
- Yêu cầu:
Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Đề án, góp phần nâng cao nhận thức về dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam, về tín ngưỡng, tôn giáo;
Có ý nghĩa giáo dục, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, làm động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; vì lợi ích quốc gia, dân tộc;
Có tính thời sự, tính quần chúng, dễ tiếp cận, dễ hiểu;
Kết cấu nội dung tài liệu, ngôn ngữ thể hiện phải đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tổ chức truyền thông theo các hình thức cụ thể, phù hợp với phong tục, tập quán của đối tượng thụ hưởng.
* Tổ chức xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
* Sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, biên dịch tư liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo
3. Thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
* Nội dung thông tin, tuyên truyền
- Tuyên truyền chính sách, pháp luật và chấp hành chính sách pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo ở các khu vực dân cư, tổ chức, vùng miền; phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện vi phạm chính sách, pháp luật;
- Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc việt Nam trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần tăng cường phổ biến kiến thức lịch sử và những sự kiện, tấm gương điển hình về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam (nhất là cho thế hệ trẻ);
- Tuyên truyền những giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam (nhất là đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số); phát huy thế mạnh về văn hóa, truyền thống của con người Việt Nam; giữ gìn bản sắc và phát huy nếp sống văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư của các dân tộc Việt Nam;
- Tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam ra nước ngoài; về những đóng góp, sáng tạo của người Việt Nam trong cộng đồng thế giới; chú trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại hợp tác quốc tế (đặc biệt với các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống);
-Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp của các dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào việc xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam;
- Tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó chú trọng tuyên truyền về truyền thống lịch sử yêu nước, đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ sự độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; về công tác xây dựng chính sách, pháp luật và ý thức thực thi chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng trong điều kiện phát triển công nghệ, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay;
- Tuyên truyền xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, cụ thể: Những thành quả mang tính đột phá, sáng tạo, những tấm gương, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; về thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc: về bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước; về an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hoạt động từ thiện; phát huy dân chủ ở cơ sở; giữ gìn bản sắc văn hóa; mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong cộng đồng và và ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với lợi ích chung của đất nước;
- Tuyên truyền thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống;
- Tuyên truyền về những giá trị tích cực, có ý nghĩa giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội thông qua giáo lý, giáo luật, lễ nghi, kiến trúc cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng truyền thống (chú trọng khai thác các chủ đề mang tính tổng hợp từ quan điểm của các tôn giáo và từ những câu chuyện, sự kiện, nhân vật, tác phẩm nghệ thuật trong lịch sử tôn giáo);
- Phát hiện, tuyên truyền đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, như: Phản ảnh các nhận thức, biểu hiện xa rời giáo lý, giáo luật, lễ nghi truyền thống của các tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hình thức lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín, trục lợi, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân;
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của nhân dân về các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
- Tuyển chọn các tác phẩm thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo để sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức, ngôn ngữ khác trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và không làm thay đổi về nội dung thông tin của tác phẩm gốc, phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa các sản phẩm, tài liệu thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo (bao gồm xây dựng công cụ để tạo lập, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu);
- Xây dựng các ứng dụng để phổ biến, tuyên truyền về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo cho điện thoại thông minh, máy tính bảng; duy trì, cập nhật nội dung thông tin lên mạng Internet để phục vụ nhu cầu chung của xã hội; đăng tải các tác phẩm tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên mạng xã hội phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, bao gồm các ứng dụng theo ngôn ngữ, hình thức phù hợp phục vụ các đối tượng thụ hưởng.
4. Công tác kế hoạch thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ
Thời gian lập kế hoạch:
- Trước ngày 01 tháng 6 hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản hướng dẫn cụ thể công tác lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đối với các bộ, ngành, cơ quan trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương tổ chức lập và gửi kế hoạch thực hiện Đề án về Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp trước 20 tháng 6 hằng năm. Báo cáo Kế hoạch theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.