Theo đại diện Cục Viễn thông – Bộ TT&TT, tổng số thuê bao băng rộng của Việt Nam hiện nay là khoảng 76,8 triệu bao gồm cả cố định và di động. Trong 64,2 triệu thuê bao băng rộng di động, có 13 triệu thuê bao 4G.
Trong 64,2 triệu thuê bao băng rộng di động, bên cạnh 51,2 triệu thuê bao 3G, số thuê bao 4G là 13 triệu sau 2 năm công nghệ này được triển khai tại Việt Nam. |
Các số liệu thống kê về hiện trạng phát triển viễn thông băng rộng tại Việt Nam vừa được ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách và kế hoạch, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết trong tham luận “Hiện trạng mạng băng rộng và định hướng phát triển 5G tại Việt Nam” tại phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật”, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2018 vừa diễn ra ngày 5/12 vừa qua tại Hà Nội.
Cũng theo ông Tuấn Anh, tổng số băng thông Internet trong nước là 2,3 Tbps; tổng băng thông Internet quốc tế là 6,1 Tbps. Trong 76,8 triệu thuê bao băng rộng của Việt Nam, có 12,6 triệu thêu bao băng rộng cố định và 64,2 triệu thuê bao băng rộng di động. Thống kê của Cục Viễn thông trên cơ sở số liệu báo cáo của các doanh nghiệp cho hay, bên cạnh 51,2 triệu thuê bao 3G, sau 2 năm công nghệ 4G LTE chính thức được triển khai tại Việt Nam, cả nước đã có tổng số khoảng 13 triệu thuê bao 4G.
Nhìn tổng thể sự phát triển của viễn thông băng rộng tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay, đại diện Cục Viễn thông - Bộ TT&TT chia sẻ: “Có thể thấy là hàng năm, tốc độ phát triển thuê bao băng rộng tại Việt Nam vẫn tăng đều, không đột biến như mong đợi khi triển khai các công nghệ 3G, 4G nhưng vẫn có sự tăng trưởng đều và nhìn chung tốc độ phổ cập dịch vụ băng rộng hiện nay theo thống kê của Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam là 85 - 90% dân số sử dụng dịch vụ băng rộng tốc độ cao”.
Trong thị trường cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng của Việt Nam, thị phần vẫn tập trung vào 3 nhà mạng viễn thông lớn là Viettel, VNPT và MobiFone chiếm tới 92,6%; 3,8% là thị phần băng rộng của FPT và 3,6% còn lại trong "miếng bánh" thị phần băng rộng thuộc về các doanh nghiệp nhỏ khác.
Trên cơ sở cung cấp các số liệu thống kê về hiện trạng phát triển hạ tầng băng rộng, đại diện Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cũng chia sẻ về định hướng của Việt Nam trong việc triển khai công nghệ mạng 5G.
Nhấn mạnh 5G là công nghệ mới, hoàn toàn khác biệt so với các công nghệ mạng trước đó (2G, 3G, 4G), chuyên gia của Cục Viễn thông cho biết, công nghệ 5G có thể đến tốc độ tối đa 20 Gb/s đường xuống và 10 Gb/s chiều lên; độ trễ dưới 1 ms; đảm bảo kết nối cho 1 triệu kết nối trên 1 km2; giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 1/10 lượng tiêu thụ của các hệ thống ngày nay và có thể tăng thêm tốc độ tới 500km/h.
Đánh giá về ảnh hưởng của 5G với nền kinh tế, báo cáo HIS 2017 cho thấy, 5G là cơ sở hạ tầng cho tất cả các thành phần kinh tế; là yếu tố chính cho các ngành công nghiệp 4.0 với đặc trưng cơ bản là sự hội tụ của viễn thông, CNTT và tự động hóa; đồng thời nó cũng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số. Đặc biệt, 5G được dự báo sẽ đóng góp trung bình 4,6% trong tất cả cả các ngành công nghiệp vào năm 2035. Cùng với đó, cũng trong năm 2035, chuỗi giá trị 5G sẽ mang lại một nền kinh tế số có tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ lên tới 12.000 tỷ USD.
“Công nghệ mạng 5G là một bước tiến rất lớn, do đó nhiều nước coi 5G là cơ hội để họ tạo ra những ngành nghề mới, dịch vụ mới, cơ hội việc làm mới. Những nước có kế hoạch đi vào 5G đầu tiên sẽ phải nghĩ đến việc có những ngành công nghiệp mới xuất hiện để phục vụ 5G, có ứng dụng mới như thành phố thông minh, chắc sóc sức khỏe thông minh… để triển khai trên nền tảng 5G”, đại diện Cục Viễn thông nêu quan điểm.
Chuỗi giá trị 5G được dự đoán sẽ mang lại một nền kinh tế số có tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ lên tới 12.000 tỷ USD vào năm 2035 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet). |
Theo ông Trần Tuấn Anh, trên thế giới, 5G được bắt đầu nghiên cứu từ khoảng năm 2014, trải qua các bước, dự kiến trong năm 2019 sắp tới, tại hội nghị tần số vô tuyến thế giới WRC-2019, tiêu chuẩn cho công nghệ mạng mới này sẽ được Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) xem xét ban hành.
Thời điểm hiện tại, công nghệ 5G đang được nhiều nhà mạng triển khai thử nghiệm. “Rất nhiều nhà mạng trên thế giới coi phát triển 5G là cơ hội để họ triển khai đưa dịch vụ của doanh nghiệp mình vào các lĩnh vực công nghiệp khác, bước sang một giai đoạn mới - số hóa, hoàn toàn tự động hóa”, ông Tuấn Anh cho biết.
Dẫn số liệu thống kê của Qualcomm, ông Tuấn Anh nêu: đến nay đã có 134 nhà khai thác viễn thông tại 62 nước trên thế giới đang triển khai thử nghiệm 5G hoặc có kế hoạch triển khai thử nghiệm 5G. Trong đó, chủ yếu vẫn thử nghiệm ở tiêu chuẩn 5G phiên bản Rel-15, một số đang thử nghiệm 5G ở phạm vi hẹp với phiên bản Rel-16.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, trong năm 2019, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ triển khai thử nghiệm các ứng dụng dịch vụ, cấu trúc mạng 5G. Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2020 có thể chính thức triển khai thương mại, cấp phép và cho ra mắt mạng 5G ở Việt Nam.
“Dự kiến, trên thế giới vào năm 2019, công nghệ 5G mới được triển khai. Với Việt Nam, Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019 và thương mại trong năm 2020. Thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam sẽ là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ 5G, cũng giống như Việt Nam từng là nước triển khai sớm 2G, chỉ 3 năm sau khi công nghệ 2G xuất hiện trên thế giới”, vị đại diện Cục Viễn thông nhận định.
Để thực hiện kế hoạch triển khai 5G, đại diện Cục Viễn thông nêu rõ, nhiều nội dung công việc cần phải được triển khai trong thời gian tới như: Cải thiện các quy định và khung chính sách; Nâng cấp hạ tầng viễn thông, tăng cường bảo mật, chất lượng; Thúc đẩy đầu tư phát triển 5G; Thúc đẩy hệ sinh thái 5G; Nghiên cứu và lập kế hoạch phân bổ tần số cho 5G; Thúc đẩy đổi mới, thành lập quỹ khởi nghiệp, phòng thí nghiệm 4.0, bảo mật...