Chuyển đổi số quốc gia với chính phủ số, kinh tế số, xã hội số sẽ không thể phát triển, không thể thành công nếu như người dân không thấy an tâm sử dụng Internet, sử dụng các dịch vụ công nghệ số. Sứ mệnh của chúng ta là phải làm cho mỗi người dân an tâm về một không gian mạng an toàn và lành mạnh. Tạo niềm tin trên không gian số là một việc vô cùng ý nghĩa và quan trọng với dân tộc, với đất nước trong giai đoạn này. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục An toàn thông tin tổ chức ngày 22/12/2020, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện cách đánh giá mới đối với Cục ATTT
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ năm 2021, đối với các đơn vị thuộc Bộ do Thứ trưởng phụ trách, trong đó có Cục ATTT, sẽ tiến hành đánh giá độc lập kết quả công tác, làm việc dựa vào sự hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào báo cáo các đơn vị này gửi lên. Cứ 3 tháng 1 lần sẽ có một khảo sát ẩn danh để cho các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước đánh giá, kiến nghị về cách làm việc, phối hợp, xử lý công việc của các đơn vị mà Thứ trưởng được phân công phụ trách. Và những kết quả khảo sát, đánh giá này sẽ được công bố hàng quý, Thứ trưởng cho hay.
Sự hài lòng của người dân + doanh nghiệp: Thước đo sự làm việc hiệu quả của cơ quan quản lý
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn về bộ công cụ 12 giải pháp tăng cường quản lý nhà nước và thực thi pháp luật. Bộ cũng đã phê duyệt Chiến lược và Kế hoạch hành động năm 2021 của Cục ATTT. Cục cần xác định rõ danh mục công việc trọng tâm cần triển khai, lên kế hoạch thực hiện theo tháng. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng rà soát, đôn đốc, báo cáo kết quả.
Thứ trưởng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước được hình thành với vai trò, sứ mệnh là phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Cục ATTT phải xây dựng hình ảnh của mình là một đơn vị sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, giúp họ bán được sản phẩm Make in Việt Nam, giúp tăng doanh thu cho họ. Có như vậy, doanh nghiệp mới tin tưởng, sẵn sàng phối hợp hỗ trợ.
Hướng về địa phương, cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, mang lại giá trị
Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, không có sự hợp tác, kết nối, hỗ trợ của các Sở TT&TT địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, cụ thể là các Bộ không thể làm tròn vai, không thể phát triển. Các Sở như "gốc rễ" của chúng ta, chúng ta chỉ có thể phát triển nếu họ tồn tại và phát triển. Chúng ta luôn phải tư duy hướng về địa phương, hướng về cơ sở, xem chúng ta giúp gì được họ, mang lại giá trị gì cho họ, tháo gỡ được khó khăn gì giúp họ, chia sẻ được gì với họ.
Mỗi đơn vị chuyên trách, mỗi Sở TT&TT phải là cánh tay nối dài của Bộ, của Cục tại các bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo Cục cần thường xuyên trao đổi, làm việc, bao gồm cả trao đổi điện thoại và làm việc trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá Lãnh đạo Cục, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phải có khả năng giải các bài toán khó, bài toán mới, bài toán diện rộng
Cục ATTT cần tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực kỹ thuật, năng lực ấy phải thực chất, phải xuất sắc và mang lại hiệu quả ý nghĩa thực tiễn. Nói một cách khác, Cục ATTT phải có khả năng giải quyết được các bài toán khó, bài toán mới, bài toán trên diện rộng. Vậy mới xứng tầm với một đơn vị quản lý ngành của đất nước. Đây phải là điểm khác biệt của Cục An toàn thông tin so với các cơ quan nhà nước khác, thậm chí đây là chính là lý do để Cục An toàn thông tin có thể tồn tại và tiếp tục phát triển bền vững, Thứ trưởng nhấn mạnh./.
Giang Phạm (Mic.gov.vn)