Theo quy định mới của Bộ TT&TT sẽ có hiệu lực từ 15/2/2018, viên chức đang làm việc trong lĩnh vực CNTT tại các đơn vị sự nghiệp công lập được phân thành 4 hạng: viên chức CNTT các hạng I, II, III, IV với những tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cụ thể.
Thông tư 45 quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CNTT được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ký ban hành cuối tháng 12/2017.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2018, Thông tư 45 áp dụng với các chức danh viên chức đang làm việc trong lĩnh vực CNTT tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Thông tư này sẽ là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức chuyên ngành CNTT trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo quy định tại Thông tư, viên chức CNTT hạng I bao gồm các chức danh viên chức An toàn thông tin hạng I; Quản trị viên hệ thống hạng I; Kiểm định viên CNTT hạng I; Phát triển phần mềm hạng I. Viên chức CNTT hạng II gồm các chức danh viên chức An toàn thông tin hạng II; Quản trị viên hệ thống hạng II; Kiểm định viên CNTT hạng II; Phát triển phần mềm hạng II. viên chức CNTT hạng II gồm các chức danh viên chức An toàn thông tin hạng III; Quản trị viên hệ thống hạng III; Kiểm định viên CNTT hạng III; Phát triển phần mềm hạng III. Các chức danh viên chức CNTT hạng IV gồm có Quản trị viên hệ thống hạng IV và Phát triển phần mềm hạng IV.
Bên cạnh các tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp cho các viên chức chuyên ngành CNTT, tại Thông tư 45, Bộ TT&TT cũng quy định chi tiết các nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cũng như những tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng hạng chức danh viên chức CNTT trong các chuyên ngành cụ thể: An toàn thông tin (hạng I, II, III), Quản trị viên hệ thống (hạng I, II, III, IV), Kiểm định viên CNTT (hạng I, II, III), Phát triển phần mềm (hạng I, II, III, IV).
Đơn cử như, với viên chức An toàn thông tin hạng III, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng gồm: có bằng tốt nghiệp đại học các ngành đúng hoặc các ngành gần đào tạo về CNTT trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT; có chức chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh An toàn thông tin hạng III. Các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mà viên chức An toàn thông tin hạng III cần đạt gồm có: thành thạo nghiệp vụ chuyên ngành về tổ chức, hoạt động của ngành, của địa phương, đơn vị và cơ sở có liên quan đến nhiệm vụ được phân công; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về CNTT, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Viên chức An toàn thông tin hạng III có các nhiệm vụ: trực tiếp tham gia duy trì, bảo hành, bảo dưỡng các hệ thống bảo mật cho các hệ thống thông tin của đơn vị, ngành, theo nhiệm vụ được giao; giải quyết các sự cố về bảo mật hệ thống phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khi có yêu cầu; trực tiếp xây dựng quy trình thao tác chuẩn phản ứng, xử lý sự cố máy tính; tham gia biên soạn các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy phạm; xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật trong phân tích, thiết kế và triển khai các hệ thống an toàn thông tin.
Thông tư 45 của Bộ TT&TT cũng quy định rõ, các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ quy định tại Thông tư này để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ viên chức. Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm: rà soát vị trí việc làm của đơn vị, lập phương thức bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng trong các đơn vị thuộc thẩm quyền mình quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp; quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lượng đối với viên chức trong các đơn vị công lập; phê duyệt phương án bổ nhiệm vào chức danh và xếp lương đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý từ ngạch lương hoặc chức danh viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng trong đơn vị công lập quy định tại Thông tư này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm vào chức danh và xếp lương đối với viên chức.
Đồng thời, quyết định bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức thuộc diện quản lý vào các chức danh nghề nghiệp tương ứng trong đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền; xem xét và đề nghị Bộ Nội vụ bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức hạng I; định kỳ báo cáo kết quả bổ nhiệm vào chức danh và xếp lương đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ trước ngày 10/12 hàng năm.
Các cơ sở, tổ chức, đơn vị ngoài công lập được vận dụng quy định tại Thông tư 45 của Bộ TT&TT để tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân sự.
Theo ictnews.vn