Cùng với sự phát triển chung của cả nước, Hà Tĩnh đang tích cực bước vào giai đoạn tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số. Điều này không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mới mà còn là sự sáng tạo trong việc phát triển các ứng dụng số nhằm tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế địa phương.
Thay đổi nhận thức
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Hà Tĩnh đã nhận thức rõ chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là một giải pháp quan trọng và cấp thiết. Việc này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh tại lễ phát động hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia (10/10) năm 2024, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chủ động ban hành nghị quyết, đề án và kế hoạch dài hạn cũng như hàng năm, nhằm đảm bảo các cơ sở thực tiễn và pháp lý cần thiết cho quá trình CĐS. Những định hướng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS tại Hà Tĩnh, thực tế đã được triển khai một cách đồng bộ trên ba trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhờ những nỗ lực này, nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp (DN) và người dân trong tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể.
Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu, cùng với các nền tảng số phục vụ cho quá trình CĐS, đã được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền mà còn cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho DN, người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh thực hiện tham gia hỗ trợ CĐS cho người dân. (Ảnh: Thu Oanh)
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, tuổi trẻ Hà Tĩnh hiện nay đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc CĐS. Trong thời gian qua, với lợi thế về khả năng làm chủ công nghệ nhanh chóng, thích ứng linh hoạt với môi trường số, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã thể hiện vai trò tiên phong và sáng tạo trong việc nắm bắt khoa học công nghệ.
Đoàn viên, thanh niên Hà Tĩnh tích cực tham gia vào công cuộc CĐS, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số; Ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền và quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa, cũng như triển khai hiệu quả các “Tổ công nghệ số cộng đồng” trên địa bàn.
Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc CĐS, từ đó, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Năm 2024, quá trình CĐS tại Hà Tĩnh tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Dự kiến doanh thu từ các hoạt động TMĐT tại Hà Tĩnh đạt khoảng 250 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Kết quả này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra các sở, ngành cũng đã tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa. Theo đó, Hà Tĩnh đã triển khai chương trình tập huấn, hướng dẫn cho các DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh về kỹ năng bán hàng, live stream trên các sàn TMĐT như Tiktok, Shopee,… thu hút người dân tham dự đông đảo và lĩnh hội được nhiều kỹ năng để ứng dụng vào thực tế.
Thúc đẩy kinh tế số
Là địa phương có điểm xuất phát thấp, Hà Tĩnh xác định kinh tế số là cơ hội để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, địa phương tích cực tập trung cho CĐS, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm) để hình thành các nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Riêng về kinh tế số, dù mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng Hà Tĩnh đã đạt không ít kết quả nổi trội, đặc biệt là các lĩnh vực như TMĐT, thanh toán điện tử...
Hà Tĩnh chủ động thực hiện các giải pháp để thực hiện CĐS. (Ảnh: Thu Oanh)
Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh công bố, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 đạt 6,27%, năm 2023 đạt 7,2%. Trong đó, kinh tế số ngành lĩnh vực chiếm chủ yếu (như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, vận tải...).
Theo ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT tỉnh Hà Tĩnh, "Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 DN đang sử dụng các nền tảng số như: Khai báo thuế, bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử, kế toán, quản lý kho, lưu trú trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tuyển dụng trực tuyến; an toàn, an ninh mạng, đào tạo nội bộ trực tuyến, chăm sóc khách hàng, quản lý công việc, nền tảng điện toán đám mây…
Cùng với đó, 100% DN, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; 7.112 đơn vị đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử; hệ thống khai báo, thông quan điện tử; 100% tờ khai đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được khai báo trên hệ thống thông quan tự động; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử".
Theo Đề án "Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025", Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thúc đẩy TMĐT. Trong đó, cần có chính sách, huy động xã hội hóa hỗ trợ (đối với người nghèo, khó khăn) để 100% người dân có điện thoại thông minh (theo nghiên cứu, 91% người dân sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch); khuyến khích người dân bán hàng qua mạng sử dụng ứng dụng di động thay cho sử dụng web. Hà Tĩnh cũng cần triển khai trung tâm logistics, kho ngoại quan - Viettel Post để tiến tới kinh doanh trên phạm vi quốc tế; Mời các DN truyền thông số đào tạo miễn phí cho các cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ ở địa phương.
Để phát triển kinh tế số trong công nghiệp, cần phát triển khu công nghệ thông tin tập trung và phải có sự khác biệt; phát triển công nghiệp bán dẫn và điện tử. Chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp hiện hữu thành các khu, cụm công nghiệp thông minh./.