Sáng ngày 29/3/2018, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Kinh tế số và chính sách an ninh mạng Việt Nam”. Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định, thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng là sự phát triển của CNTT&TT mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cảnh báo bên cạnh lợi ích to lớn không thể phủ nhận, những thành tựu của CNTT và các dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, các đại biểu tham dự Hội thảo thảo luận về các chính sách phát triển kinh tế số và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới. Trên cơ sở báo cáo của các diễn giả, đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, chia sẻ thẳng thắn, nêu rõ quan điểm, định hướng, giải pháp cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính khách quan, khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức Hội thảo, Hội Truyền thông số Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu báo cáo lên Chính phủ và các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ cho quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam nhận định, chúng ta đang sống ở thời điểm ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp thông qua Internet. Chính phủ Canada là một trong những Chính phủ áp dụng các chính sách, biện pháp an ninh mạng sớm nhất với nhận thức rất rõ rằng nền kinh tế số và không gian mạng cũng là một cơ hội cho tội phạm.
Bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam
Theo số liệu của Phòng Thương mại Canada, 71% các cuộc tấn công mạng trong khoảng 2 năm gần đây là nhằm vào các doanh nghiệp. Do đó, bà Đại sứ cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam cần phải tìm được một điểm cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với việc áp dụng các chính sách an ninh mạng.
Cũng theo bà Đại sứ, kinh tế số đã và đang phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế thực, với giá trị lên tới 4.000 tỷ USD vào năm 2016, trong khi GDP của Canada chỉ là 1,2 ngàn tỉ USD. Những con số này cho thấy tiềm năng của nền kinh tế số lớn như thế nào. Việt Nam cần có những nỗ lực thúc đẩy, tối ưu hóa nguồn lực này, mở cửa đối với Internet để thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Tại Hội thảo, ông Nathaniel J. Gleicher, Trưởng Ban Chính sách an ninh mạng của Facebook khẳng định, nguy cơ về mất an toàn, an ninh thông tin không phải là của riêng đối tượng nào, mà là vấn đề các chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều phải đối mặt. Do đó, để đảm bảo an toàn thông tin tất cả phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Để đảm bảo an ninh mạng, không nhất thiết phải áp dụng những biện pháp an ninh quá phức tạp, cần tập trung vào 4 yếu tố cốt lõi sau đây: Tính rõ ràng, tính linh hoạt, sự nhất quán và sự hợp tác.
Ông Nathaniel J. Gleicher, Trưởng Ban Chính sách an ninh mạng của Facebook
Trên thực tế, công nghệ bao giờ cũng thay đổi nhanh hơn chính sách. Do đó, chính sách phải rõ ràng về mục tiêu, quy định rõ người dùng có những quyền và nghĩa vụ gì. Chính sách không rõ ràng thậm chí gây tác dụng ngược, gây thách thức trong việc thực hiện chính sách đó. Một chính sách tốt cần phải linh hoạt để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và cần sự hợp tác của các chủ thể. Do đó, khi xây dựng chính sách cần phải lấy ý kiến của các bên chịu sự tác động của chính sách và ý kiến của chuyên gia. Đồng thời, thực thi chính sách an ninh mạng đòi hỏi sự hợp tác của chính phủ, doanh nghiệp và người sử dụng. Mỗi đối tượng này lại có một vai trò riêng, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính phủ.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhận định, điểm nổi bật của nền kinh tế số Việt Nam là thương mại điện tử với doanh thu 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung hơn nữa cho đảm bảo quyền riêng tư và ngăn chặn khai thác trái phép dữ liệu cá nhân cho mục đích thương mại và phi thương mại.
Ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho rằng, dự thảo Luật An ninh mạng là bước tiến lớn trong việc xác định vai trò của các cơ quan nhà nước trong ứng phó tấn công mạng. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn về các quy định, chuẩn mực liên quan. Các doanh nghiệp cho rằng Quốc hội cần xem xét, đánh giá tác động của luật trước khi bấm nút thông qua vào thời gian tới.../.
Theo mic.gov.vn