Bước vào năm mới 2024, các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh đã kịp thời “bơm vốn”, giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện những dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên) đẩy mạnh xây lắp các công trình giao thông, tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thực hiện nhiều dự án lớn trên địa bàn như: Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 8A; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8C; dự án xây dựng đường Hàm Nghi kéo dài (TP Hà Tĩnh)...
Công ty CP Tập đoàn Thành Huy đang được BIDV Hà Tĩnh và MB Bank Hà Tĩnh cho vay vốn triển khai nhiều công trình trọng điểm.
Ông Bùi Đình Ước - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết: “Năm 2023, đơn vị đạt doanh thu 500 tỷ đồng. Bước sang năm mới 2024, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt khó khăn do chi phí vật liệu xây dựng cùng nhiều chi phí khác gia tăng. Hiện nay, chúng tôi đang được BIDV Hà Tĩnh và MB Bank Hà Tĩnh cho vay vốn đầu tư mua sắm thêm thiết bị, máy móc, đảm bảo thi công các công trình, dự án đúng tiến độ, chất lượng đã cam kết”.
Năm 2023, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đạt doanh thu 165 tỷ đồng (tăng trưởng 27% so với kế hoạch được giao). Tiếp đà tăng trưởng, tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu thu về 10 tỷ đồng và nỗ lực để sớm hoàn thành kế hoạch 155 tỷ đồng trong năm 2024.
Bà Trần Thị Thanh - Kế toán trưởng Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu cho biết: “Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ xây dựng như: bê tông thương phẩm, gạch không nung, ống cống... Không ngừng tiếp thị, phát triển khách hàng mới là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu. Ngoài ra, hiện nay các dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như: dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II... đã tạo dư địa tăng trưởng doanh thu cho công ty. Đặc biệt, đầu năm nay, công ty được BIDV Hà Tĩnh và Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục cung ứng vốn, nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đơn hàng của đối tác. Tính riêng trong tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,4%/năm”.
Năm 2024, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu đặt mục tiêu doanh thu đạt 155 tỷ đồng.
BIDV Hà Tĩnh hiện đang cung ứng vốn phát triển cho hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chi nhánh đang ưu tiên cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ logistics, dược phẩm...
Bà Lê Thị Tuyết - Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, BIDV Hà Tĩnh cho biết: “Tổng dư nợ toàn chi nhánh hiện đạt trên 6.700 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp đạt trên 3.400 tỷ đồng. Ảnh hưởng hậu COVID-19 và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải đối mặt cùng lúc nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, BIDV Hà Tĩnh đã chủ động các giải pháp như: giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ và tạo điều kiện giải ngân khoản vay mới trong thời gian sớm nhất; giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm mới 2024”.
Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Hà Tĩnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trong năm mới 2024, Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và giữ mặt bằng lãi suất cho vay cố định trong thời gian dài. Đến đầu tháng 1/2024, tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 15.133 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp đạt trên 9.366 tỷ đồng.
Hiện nay, ACB Hà Tĩnh cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất cố định trong ngắn - dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng. Ông Đậu Bá Hoan – Giám đốc ACB Hà Tĩnh thông tin: “Tổng dư nợ của chi nhánh hiện đạt 3.300 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp trên 1.000 tỷ đồng. Nhằm khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, giải pháp được ACB ưu tiên là đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay; tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cách ngành xây lắp, du lịch, logistics...”.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Các “nhà băng” đã cập nhật khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tính đến đầu tháng 1/2024, tổng dư nợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt trên 30.243 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 32% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Đến đầu tháng 1/2024, tổng dư nợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt trên 30.243 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2024, các chuyên gia kinh tế dự báo cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng hậu COVID-19 và suy thoái kinh tế như: chi phí sản xuất gia tăng, đơn hàng sụt giảm, áp lực tồn kho... Trong bối cảnh đó, các động thái hỗ trợ của ngành ngân hàng như: cho vay mới, nâng hạn mức cho vay, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... vẫn được xem là các giải pháp căn cơ để cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt khó, nỗ lực giành kết quả cao nhất.
Theo đó, các giải pháp được các tổ chức tín dụng ưu tiên để tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp là thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tăng cường hơn nữa việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ để doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh...