Trao đổi với ICTnews có ít nhất 2 mạng di động lớn thừa nhận nguy cơ đổ vỡ lời hứa không bơm SIM đã kích hoạt sẵn mà các nhà mạng đã ký với nhau. Vì vậy, cần Bộ TT&TT và Bộ Công an vào cuộc để xử lý điểm vài trường hợp để ngăn chặn tình trạng này.
SIM tài khoản khủng bắt đầu trở lại thị trường |
Như ICTnews đã đưa tin hiện tại thị trường Hà Nội SIM khủng kích hoạt sẵn bắt đầu tái chiếm thị trường 1 cách mạnh mẽ. Người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng sẽ có ngay SIM của các nhà mạng tài khoản đến 290.000 đồng, mua vô tư về chỉ lắp vào máy là dùng không cần phải đăng ký thông tin cá nhân gì hết. Nếu cần sử dụng SIM để vào mạng thì mua SIM loại 500.000 đồng/1 SIM dùng thoải mái cả năm.
Trao đổi với ICTnews mới đây, có ít nhất 2 mạng di động lớn thừa nhận nguy cơ đổ vỡ lời hứa không bơm SIM đã kích hoạt sẵn mà các nhà mạng đã ký với nhau. Lãnh đạo một mạng di động cho hay là nhà mạng này không thể ngồi yên để các nhà mạng khác bung SIM đã kích hoạt sẵn ra thị trường. “Chúng tôi đã chịu đựng mấy tháng nay rồi, nhưng không thể chịu đựng thêm được nữa khi nhà mạng khác lại được vô tư bung SIM đã kích hoạt sẵn ra trên thị trường để hút thuê bao mới trong khi chúng tôi quá khó khăn trong việc phát triển thuê bao. Bộ TT&TT chỉ cần nhìn số lượng phát triển thuê bao mới của các nhà mạng là có thể rõ thêm về việc này”.
Lãnh đạo một mạng di động lớn khác cho rằng, các quy định của Chính phủ Bộ TT&TT đã rất chặt chẽ và bây giờ các nhà mạng đang phá vỡ cam kết vi phạm pháp luật thì Bộ Công an, Bộ TT&TT vào cuộc bắt và xử điểm vào trường hợp để đưa việc thực thi quản lý thuê bao di động trả trước vào đúng quy định. Nếu không bắt và xử phạt công khai các nhà mạng phá vỡ cam kết vi phạm pháp luật sẽ không đủ sức răn đe và các doanh nghiệp di động lại lao vào cuộc chiến bung SIM kích hoạt sẵn ra ngoài thị trường.
TRước đó hồi tháng 10/2016, 5 doanh nghiệp di động là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel đã ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối sẽ áp dụng từ ngày 1/11/2016. Bộ TT&TT nhấn mạnh, người đứng đầu của các nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc thực hiện cam kết này.
Sau đó, Bộ TT&TT cho biết, các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, trong đó có việc khóa dịch vụ, thu hồi gần 20 triệu SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Sau đó, trên thị trường SIM rác và tin nhắn rác đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, gần đây SIM kích hoạt sẵn có tài khoản khủng lại bắt đầu tái chiếm thị trường.
Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017 do Bộ TT&TT tổ chức, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT khẳng định, VNPT bắt đầu thực hiện cơ chế quản lý thuê bao trả trước theo các quy định mới của Nghị định 49 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng đây là quy định đúng và cần thực hiện. Ông Hùng nhấn mạnh việc quản lý thông tin thuê bao chính danh liên quan rất lớn tới mục tiêu đảm bảo an toàn an ninh cho toàn xã hội nên VNPT sẽ làm kiên quyết trong thời gian tới.
“Báo cáo sơ kết của Bộ TT&TT nhận định tình trạng SIM kích hoạt sẵn vẫn tràn lan trên thị trường, mặc dù Bộ và các Sở, các doanh nghiệp đều hô quyết tâm nhưng SIM rác vẫn tràn lan do cơ chế quản lý thuê bao của chúng ta chưa hiệu quả”, ông Hùng nhận xét. Đồng thời, đưa ra đề xuất Bộ TT&TT cần để các doanh nghiệp tham gia quản lý, nếu chỉ để cơ quan quản lý làm thì không giải quyết triệt để được. Nghị định 49 quy định các doanh nghiệp có thời gian 1 năm cập nhật thông tin thuê bao, trong thời gian này các nhà mạng vẫn kích hoạt sẵn và bán SIM ra thị trường, thuê bao tăng trưởng kèm theo thuê bao khai báo thông tin không chính xác vẫn tăng. Đến hết 1 năm chắc chắn vẫn còn tồn tại nhiều thuê bao không chính xác, các doanh nghiệp lại xin gia hạn thời gian để cập nhật thông tin.
“Ngay tuần sau sẽ VNPT sẽ chỉ đạo thu gom SIM kích hoạt sẵn nộp cho các Sở TT&TT và Bộ. Cần minh bạch hóa hoạt động quản lý SIM kích hoạt sẵn để nêu cao trách nhiệm của nhà mạng”, ông Hùng cho hay.
Đề nghị này của ông Hùng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo hai nhà mạng lớn là Viettel và MobiFone. Theo ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel, Viettel đã bắt đầu triển khai quản lý thuê bao theo quy định mới trong Nghị định 49 với quyết tâm cao, mặc dù dư luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng Viettel cho rằng việc kiểm tra và cập nhật thông tin thuê bao chính xác là cần thiết. Nhưng Bộ TT&TT cần có hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp và truyền thông rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Viettel nhất trí với anh Trần Mạnh Hùng về việc nhà mạng tổ chức thu hồi các thuê bao trôi nổi và kích hoạt sẵn. Nếu các nhà mạng ngồi với nhau cùng bàn biện pháp thu hồi thì việc quản lý chắc chắn tốt hơn”, ông Sơn nói.
Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cũng nói rằng: “Tôi đồng tình và thống nhất với kiến nghị của VNPT và Viettel về việc tổ chức thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường”.
Theo Ictnews.vn