Ngày 15/12, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định 45). Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm sau 1 năm triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng, lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố với sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại đầu cầu Quảng Bình; sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại đầu cầu Thừa Thiên Huế; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tại đầu cầu Hà Nội, cùng hơn 2.000 đại biểu đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các tỉnh, thành phố; các Sở, ngành và UBND các quận, huyện.
Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 26/3/2017 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg; Thông tư số 22/2017/TT-BTTTT ngày 29/9/2017 quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là khung pháp lý quan trọng để thực hiện việc nhận gửi hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo báo cáo của đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: Sau 1 năm thực hiện Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thủ tục hành chính đã thực hiện rà soát, công bố các thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 61/63 tỉnh, thành phố đã ký hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao các nhiệm vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, các Sở, ngành, quận, huyện tại các địa phương này cũng ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh, thành phố để triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện. Tất cả các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra giấy tờ, các điểm cần lưu ý khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ của người dân, để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được chính xác, nhanh chóng, an toàn.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TT&TT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cùng sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, tính riêng 10 tháng đầu năm 2017 đã có gần 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. Phó Thủ tướng khẳng định với Quyết định 45, bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong cung cấp dịch vụ công mà còn là “bộ mặt” của bộ máy hành chính, đại diện của chính quyền.
Theo đó, cần làm tốt các công tác sau: Thứ nhất, phải tổ chức xử lý hồ sơ công việc của bộ máy hành chính bằng máy tính trên mạng liên thông ở tất cả các cấp chính quyền.
Thứ hai, nhất định phải tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phải có cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (năm ngoái có 124.000 dịch vụ công, vừa qua thống kê lại có 109.000 dịch vụ, nếu chuẩn hóa lại tốt thì chỉ còn khoảng 7.000 dịch vụ công, bởi dịch vụ ở xã, huyện gọi tên khác nhau), và phải lấy dịch vụ công trực tuyến cấp 3 – 4 làm tiêu chí phấn đấu.
Thứ ba, tất cả dữ liệu phải được kết nối, và nộp vào kho chung của Chính phủ, được quản lý theo quy định chung của Bộ TT&TT. Không chỉ vậy, thay vì đầu tư như mọi năm, các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách làm sang thuê dịch vụ, không để các Trung tâm công nghệ thông tin, Sở TT&TT tự làm.
Về kiến nghị cần phải đẩy nhanh quá trình đơn giản hoá giải quyết thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng, kết nối các cấp, các Bộ, ngành, xử lý nhanh chóng, gọn gàng, cùng nhau giải quyết thì mới nhanh được.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn ngành Bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình này để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Trong thời gian tới, nhân viên bưu điện phải là người hiểu về các thủ tục hành chính để tư vấn cho bà con nhân dân. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành Bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất. Không chỉ vậy, từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên Bưu điện cần ghi chép, tập hợp những thủ tục hành chính người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan Nhà nước để chuẩn hoá dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết.
Tại Hội nghị, các địa phương hầu hết đều thống nhất ý kiến dịch vụ đã tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Đồng thời, bộ phận giải quyết thủ tục hành chính cũng nâng cao hiệu quả xử lý, tiếp kiệm thời gian, giảm áp lực trong quá trình giải quyết công việc.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc thực hiện Quyết định 45 đã giúp cơ quan này giảm áp lực trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân. “Qua dịch vụ bưu chính công ích, BHXH Việt Nam tiếp nhận 3,5 triệu/5 triệu hồ sơ; trả 5,3 triệu/7 triệu kết quả giải quyết. Người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để làm các thủ tục hành chính về BHXH đều được miễn phí toàn bộ. Nhờ vậy, thời gian giao dịch BHXH của doanh nghiệp giảm từ 335 giờ (năm 2014) xuống 147 giờ (năm 2017). Số đối tượng của BHXH tăng 35%, số thu tăng 2 lần nhưng biên chế không tăng”, ông Ánh thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Tấn Linh cùng lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Các ý kiến tại Hội nghị cùng chung kiến nghị đẩy nhanh việc đơn giản hoá quá trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp các điểm bưu điện văn hoá xã; tăng cường chất lượng, năng lực của nhân viên bưu điện; đẩy nhanh kết nối, liên thông giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và VNPost; Bộ TT&TT ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, xử lý nhanh những vướng mắc khi thực hiện Quyết định 45.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: Thời gian qua, việc triển khai Quyết định số 45 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đây là một trong những biện pháp cải cách có tính đột phá, góp phần đổi mới phương thức phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp thêm sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục hành chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn.
Với phương thức phục vụ này, ngành Bưu điện tiếp tục khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng của mình là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của các cơ quan hành chính nhà nước khi chia sẻ, thực hiện một số công đoạn trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí liên quan đến hoạt động của các bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, Bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, sâu rộng Quyết định số 45, nhằm mục đích vì nhân dân phục vụ ở một số nội dung chính:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức về chủ trương của Nhà nước trong công tác cải cách hành chính thông qua việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền về nội dung này.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kết nối mạng thông tin phục vụ việc triển khai Quyết định số 45, để mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nói riêng và đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung.
Thứ ba, tăng cường tập huấn cho nhân viên bưu chính trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả, thuận tiện, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân.