Hơn 22 năm lặn lội, kiên trì với việc đưa sản phẩm nem chua ra thị trường và 5 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, nem chua Ý Bình đã trở thành một trong những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Quả ngọt hôm nay được kết tinh từ niềm đam mê sáng tạo, sự nỗ lực không ngừng, từ mồ hôi và nước mắt của chủ cơ sở - chị Lê Thị Bình, ở tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn - Hà Tĩnh).
Gói tâm tình trong từng sản phẩm
Cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn tiền thân là một hộ sản xuất nem truyền thống nhỏ lẻ tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình, cộng với đam mê kinh doanh từ nhỏ, chị Lê Thị Bình quyết định tạo cho mình một nghề. Nhận thấy nem chua là món vô cùng hấp dẫn và tại địa phương người dân thường làm để thiết đãi khách mỗi dịp quan trọng, chị trăn trở: “Tại sao nó không thể là món ăn hàng ngày để lúc nào người dân cũng có thể dùng nó?”.
Quy trình chế biến nem chua và các sản phẩm khác ở Cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kế thừa nghề truyền thống của gia đình cộng với kinh nghiệm học hỏi từ các địa phương nổi tiếng sản xuất nem chua, chị Bình mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng khép kín, mua sắm máy móc, thiết bị phát triển thương hiệu nem Ý Bình theo phương châm khắc phục những tồn tại trước đây như bảo quản ít ngày, nem nhanh chua, nhanh hỏng, và số lượng làm ra rất ít (do làm thủ công).
“Bí quyết gia truyền cùng hành trình khăn gói đi học nghề đã tạo nền tảng để tôi sáng tạo nên 7 món nem chua độc đáo của Hà Tĩnh (nem kẹp, nem trần, nem cau, nem bung, nem cây, nem quả và nem chiên). Mỗi loại có quy trình sản xuất riêng, hình thức, màu sắc và hương vị đặc trưng nhưng cơ sở luôn tuân thủ “3 không” (không chất bảo quản, không hàn the, không chất tạo vị - tạo màu), sản phẩm sau chế biến phải bảo quản lạnh để tạo độ giòn, dai, đúng vị”, chị Bình say sưa kể.
Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Lê Thị Bình, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn còn là người có tấm lòng nhân hậu, thực hiện nhiều hoạt động hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Ban đầu, cơ sở sản xuất nem thủ công mỗi ngày chỉ được 200 chiếc. Thị trường dần rộng mở cũng là lúc cơ sở quyết định đầu tư máy sản xuất nem, mỗi ngày 2.000 - 5.000 chiếc. Ngoài ra, còn đầu tư máy hút chân không để bảo quản sản phẩm an toàn, giữ nguyên màu sắc, hương vị, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Nỗ lực đưa thương hiệu vươn xa
“Tạo sản phẩm thơm ngon thôi chưa đủ mà phải mang món ăn đó tới nhiều người, nhiều nơi. Tất nhiên, để chiếm được lòng tin của thị trường thì chất lượng sản phẩm là điều quyết định. Chúng tôi đã mất nhiều công sức để được cơ quan chức năng công nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không có khát khao xây dựng thương hiệu nem chua sạch thì có thể chúng tôi đã bỏ cuộc. Hiện, định kỳ hàng năm, cơ sở lại gửi mẫu đi xét nghiệm và kiểm định chất lượng”, chị Bình chia sẻ.
Phát triển bền vững, mở rộng thị trường là chiến lược then chốt, do đó, cơ sở tích cực tham gia hàng chục hội chợ mỗi năm. Gắn với đó là mở rộng kênh bán hàng online để tạo sức lan tỏa trong giới thiệu, quảng bá. Cứ thế, cơ sở có thêm nhiều bạn hàng tiềm năng và nem chua Ý Bình đã “phủ sóng” toàn quốc, nhất là ở Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh…
Đặc biệt, vượt qua các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, nem chua Ý Bình với 3 dòng sản phẩm (nem kẹp, nem trần, nem cây) đã lên kệ siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh với sản lượng tiêu thụ mỗi năm trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Chị Bình phấn khởi: “Từ khi tham gia OCOP, giá trị từng chiếc nem tăng cả về số lượng và giá thành. Trước chúng tôi bán 700 - 1.200 đồng/cái nhưng nay thấp nhất là 3.000 đồng/cái, cao nhất là 8.000 đồng/cái”. Với sự phát triển hiện nay, ngoài mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở sản xuất nem Ý Bình còn giải quyết việc làm với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng/người cho 10 lao động ở địa phương. Năm 2022, doanh thu của cơ sở nem chua Ý Bình đạt 2,7 tỷ đồng; năm 2023 phấn đấu đạt 3,6 tỷ đồng.
Cơ sở đầu tư máy hút chân không để bảo quản sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ sở đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, chế biến thêm nhiều sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nem chua độc đáo hơn, mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng tiêu chuẩn 4 sao trong Chương trình OCOP của tỉnh.
Theo chị Bình, để đứng vững trên thương trường và ngày càng phát triển, cơ sở luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và việc “nuôi dưỡng” khách hàng, cùng với đó là quan tâm để người lao động đồng hành, gắn bó với cơ sở lâu dài. Làm nghề hơn 22 năm, tôi mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, đó là cách để tri ân khách hàng, đồng hành với chúng tôi trong nhiều năm qua. Có được sự ghi nhận của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng là động lực để cơ sở ngày càng hoàn thiện, đưa các sản phẩm vươn xa hơn.
Áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, mọi hoạt động của Cơ sở chế biến thực phẩm Bình Sơn đều có camera giám sát chặt chẽ.
Không chỉ kinh doanh giỏi, chị Bình còn là người có tấm lòng nhân hậu, thực hiện nhiều hoạt động hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho người yếu thế.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, đánh giá: “Xuất phát điểm là hộ sản xuất nhỏ nhưng với sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, chị Lê Thị Bình đã xây dựng cơ sở sản xuất nem chua bài bản, máy móc hiện đại. Sản phẩm đưa ra phân phối trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Chị đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, giải thưởng và những phần thưởng này thật sự rất xứng đáng”.