Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xác định là giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Hà Tĩnh đạt tỉnh nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.
>> Bài 3: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP bay xa
>> Bài 2: Nơi ươm mầm cho người trẻ
>> Bài 1: “Chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất
Những trăn trở
Năm 2018 là năm đầu tiên Hà Tĩnh “khởi động” Chương trình OCOP với việc hỗ trợ xây dựng 6 sản phẩm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai diện rộng. Đến nay, tỉnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là con số ấn tượng đối với một tỉnh có quy mô sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn nhỏ như Hà Tĩnh. Hơn 4 năm chưa thể nói về một kết quả bền vững, song diện mạo mới, hơi thở mới là điều cần ghi nhận và phải có giải pháp để nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, theo ông Võ Tá Nghĩa, Phó GĐ Sở Công Thương Hà Tĩnh, bên cạnh những sản phẩm phát huy được thương hiệu, chất lượng, tham gia vào chuỗi chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng thì vẫn còn không ít sản phẩm mang thương hiệu OCOP đang loay hoay nơi “ao làng”, một số sản phẩm chưa đến đích đã bị “tuýt còi”.
Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Tĩnh tổ chức kiểm tra, soát xét các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm tham gia phân hạng đợt 1/2023.
Cụ thể, năm 2021, ngành chuyên môn đã kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi chứng nhận OCOP đối với 5 sản phẩm không đảm bảo theo quy chế quản lý sản phẩm OCOP. Các sản phẩm bị thu hồi gồm: nước mắm Ánh Hồng, ruốc kem Lương Tuyết (Lộc Hà); gạo Cẩm Thành (Cẩm Xuyên); xúc xích Hoàng Phát (huyện Kỳ Anh); cam Nhật Quang (Can Lộc).
Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% đạt 5 sao. Để đạt mục tiêu này thì vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở cần phải nỗ lực khắc phục và làm tốt. Cụ thể như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp có lúc, có nơi vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu, chưa thấy được lợi ích, ý nghĩa to lớn, chiến lược mà Chương trình OCOP mang lại; công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn cần được quan tâm; phần lớn các cơ sở có quy mô còn nhỏ, năng lực quản trị yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; nếp nghĩ, cách làm cũ, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn; đội ngũ tư vấn chủ yếu là chuyên ngành hẹp, chất lượng tư vấn chưa cao; sự tham gia hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều; chưa phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP; sản phẩm có chất lượng để hướng tới xuất khẩu còn hạn chế; đặc biệt là, đến nay, trên địa bàn vẫn chưa có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao.
Hình thành đội ngũ “Doanh nhân OCOP”
Theo các chủ cơ sở OCOP, một trong những “rào cản” để nâng quy mô sản phẩm OCOP là các cơ sở đang thiếu mặt bằng sản xuất.
“Là HTX thu mua nông sản, trái cây, chúng tôi rất cần mặt bằng để xây dựng kho bảo quản. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiến nghị, đề xuất, chúng tôi vẫn chưa được địa phương bố trí mặt bằng”, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (Hương Khê) cho hay.
Tương tự, chị Lê Hoài Thu, chủ cơ sở sản xuất bánh ram Anh Thu (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) thông tin, sản phẩm bánh ram Anh Thu đã có mặt trên thị trường ngoại tỉnh và xuất sang Thái Lan, Lào… Nhiều đối tác đã đến tham quan cơ sở sản xuất và đặt vấn đề ký kết đơn hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, do diện tích nhà xưởng hiện khá chật hẹp nên chúng tôi chưa thể đáp ứng yêu cầu của đối tác. Cơ sở đã kiến nghị, đề xuất cấp trên bố trí mặt bằng để mở rộng sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
“Việc đăng ký xin cấp đất phục vụ sản xuất kinh doanh phải được thực hiện qua nhiều cấp, từ xã, huyện đến tỉnh với nhiều hồ sơ, thủ tục và các điều kiện liên quan nhằm đảm bảo quy định pháp luật. Trong khi đó, người dân do chưa nắm vững các quy định hoặc do phải đi lại qua nhiều cấp, làm nhiều hồ sơ, thủ tục nên còn lúng túng, khó khăn. Vì vậy, các cấp, ngành cần vào cuộc đồng bộ, hỗ trợ, hướng dẫn người dân để sớm tháo gỡ vướng mắc này”, ông Lê Xuân Tùng , Trưởng phòng OCOP Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết.
Làm sao để Chương trình OCOP vươn xa và thay đổi cách làm nông nghiệp, gắn với tư duy thị trường, để người dân làm giàu trên chính quê hương mình mà không phải ly hương? Khi người ta có thể làm giàu trên chính quê hương mình thì OCOP là “mũi tên” trúng nhiều đích.Vậy nên phải có những giải pháp lâu dài để chương trình phát huy hết giá trị kinh tế.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT): Để Chương trình OCOP tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thúc đẩy tạo ra đội ngũ “Doanh nhân OCOP” dẫn dắt nông dân phát triển kinh tế, thật sự làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, cần xác định trách nhiệm của mình trước Nhân dân, trước Đảng, hãy dành sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, động viên cổ vũ cộng đồng và ưu tiên nguồn lực để thực hiện chương trình một cách tốt nhất.
Đối với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP và bước đầu khẳng định được thương hiệu, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện bố trí mặt bằng, đất đai mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu, tổ chức liên kết sản xuất giữa các cơ sở OCOP có cùng loại sản phẩm để dần hình thành và xây dựng thương hiệu lớn, thương hiệu tập thể...
Người tiêu dùng tự kiểm tra nguồn gốc sản phẩm OCOP thông qua điện thoại thông minh bằng những thao tác đơn giản.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, để tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy cộng đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản; quan tâm hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP vào công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Trong giai đoạn tới, Hà Tĩnh tiếp tục xác định triển khai thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM; là giải pháp quan trọng để xây dựng thành công tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025. Do vậy, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số vào công tác quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thương mại điện tử; tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị nhằm hình thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế nông thôn”.