OCOP không chỉ là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị mà còn là sân chơi để thanh niên thỏa sức sáng tạo, phát triển lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, OCOP cũng là nơi ươm mầm phát triển đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp cho Hà Tĩnh.
>> Bài 1: “Chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất
Biến khó khăn thành cơ hội
“Khởi nghiệp luôn có nhiều khó khăn nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua nếu bạn có quyết tâm và theo đuổi đến cùng. Đặc biệt, khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn nếu bạn biết tận dụng các cơ hội”, anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh), chia sẻ.
Anh Lê Văn Duẩn, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Nguyên Lâm.
Bôn ba khắp nơi, chứng kiến cảnh gia đình, bà con làm ra hạt gạo, hạt vừng rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, gánh đi chợ bán lẻ, lại còn lệ thuộc vào thời tiết khiến anh Duẩn quyết định trở về quê mở xưởng sản xuất bánh đa vừng với số vốn ban đầu vỏn vẹn gần 100 triệu đồng.
Dù gia đình có truyền thống làm nghề sản xuất bánh đa vừng, các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tuy nhiên, sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, nên phải mất gần nửa năm, sau nhiều lần thất bại, anh mới tạo ra được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Năm 2020, cơ sở của gia đình được lựa chọn đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện Kỳ Anh và đạt chuẩn 3 sao ngay lần đầu tiên.
Năm 2021, anh Duẩn quyết định hùn vốn với 7 người khác thành lập HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm, bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất hiện đại, quản lý nguồn nguyên liệu, nguồn vốn, các giấy chứng nhận theo quy chuẩn… để “nâng tầm” sản phẩm.
HTX đầu tư hơn 600 triệu đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị như: máy nướng, máy xay bột, máy tráng bánh… Tất cả công đoạn từ chuẩn bị bột cho đến tráng bánh đều được xử lý bằng máy, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức và đảm bảo quy trình, quy chuẩn sản phẩm.
Để làm nên chiếc bánh đạt chất lượng, HTX tuân thủ quy trình tuyển chọn nguyên liệu khá nghiêm ngặt. Gạo, vừng được lấy từ những vùng sản xuất theo chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Bánh còn tạo được sự khác biệt bởi một số gia vị đi kèm như: muối, tỏi, tiêu trộn đều với gạo, vừng trước khi tráng.
Giữa năm 2021, nhờ cơ duyên đặc biệt, Duẩn lên mạng xã hội và kết nối thông qua bạn bè đang học tập, làm việc ở Nhật Bản, tiếp thị sản phẩm bánh đa vừng và được các đối tác quan tâm. Từ đây, anh bắt đầu hành trình mới, hoàn thiện các điều kiện từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để được phía đối tác chấp thuận.
Duẩn cho biết: Tôi và các thành viên HTX đã bao đêm thức trắng, rất lo vì thị trường Nhật Bản vốn khó tính, không dễ đón nhận sản phẩm mới. Đặt mục tiêu coi trọng chất lượng lên hàng đầu, mọi sự cố gắng của chúng tôi được đền đáp khi vào tháng 11/2021, lần đầu tiên lô hàng 64.000 chiếc bánh đa vừng được xuất sang thị trường Nhật Bản. Sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch nên thị trường luôn ổn định, nhận nhiều phản hồi tích cực.
Dự kiến năm 2023, HTX sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu chiếc bánh, doanh thu hơn 6,5 tỷ đồng; trong đó, xuất khẩu khoảng 600.000 chiếc, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.
Khi bánh đa vừng được đón nhận ở thị trường Nhật Bản, HTX tiếp tục con đường chinh phục các thị trường mới là Nga, Ba Lan… Hiện nay, các công đoạn chuẩn bị liên quan đến thủ tục, hồ sơ cơ bản hoàn thành để mang những chiếc bánh đậm hương vị quê hương sang nước Nga.
Với quyết tâm “chuẩn hóa” quy trình sản xuất, HTX đang trong thời gian hoàn thành nhà xưởng mới tại xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) với tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng trên diện tích gần 4.000m2. HTX sẽ chuyển toàn bộ máy móc về đây và tiến hành sản xuất khép kín, xây dựng hệ thống sấy khô tự động để nâng công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hà Tĩnh hiện có 239 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó nhiều sản phẩm được sở hữu bởi những chủ thể là người trẻ. Từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều thanh niên Hà Tĩnh đã tự tin khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và được thị trường đón nhận như: Nhung Hươu Việt của anh Nguyễn Khắc Huân; thực phẩm sạch Thủy Mộc của chị Trần Thị Quang Cảnh (Hương Sơn); giò chả của anh Nguyễn Hữu Duẩn (Thạch Hà); Trầm hương Tâm Thiên Hương của chị Nguyễn Thị Huyền Trang…
Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng bộ phận OCOP, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết: “Tín hiệu đáng mừng là số lượng chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP ở độ tuổi trẻ, nhiệt huyết khá đông. So với trước đây, thanh niên khởi nghiệp hiện nay sở hữu nền tảng tốt hơn rất nhiều, không chỉ năng động, sáng tạo, thế hệ trẻ có niềm đam mê, tinh thần khởi nghiệp cao, dám nghĩ, dám đổi mới, nhất là khi có sự hỗ trợ của công nghệ số, mạng xã hội”.
Để người trẻ có cơ hội phát triển
Thực tế cho thấy, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của những người trẻ hay gặp thất bại là do thiếu nền tảng về khởi nghiệp, chỉ chăm chú vào phát triển sản phẩm mình thích mà không biết sản phẩm đó có đáp ứng yêu cầu thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng hay không. Họ đang phải loay hoay tiếp cận khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Người trẻ luôn biết tận dụng mạng xã hội để xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng.
Nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp thanh niên nói chung và khởi nghiệp từ Chương trình OCOP nói riêng, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương ở Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp trẻ như: Hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; hỗ trợ quy trình thành lập tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, các chương trình khởi nghiệp sáng tạo cũng có những cơ chế ưu tiên nhất định đối với các bạn trẻ khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thách thức đối với thanh niên muốn khởi nghiệp thông qua Chương trình OCOP vẫn còn không ít bởi muốn biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng.
Trước hết là vấn đề về vốn khởi nghiệp. Hầu hết các sản phẩm OCOP đòi hỏi quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng tầm giá trị sản phẩm, do đó, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.
Ngoài ra, khởi nghiệp bằng các sản phẩm đặc trưng của địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường. Do mới bắt đầu khởi nghiệp, việc tạo dựng uy tín, tạo thị phần gặp không ít khó khăn khi hầu hết các sản phẩm cùng loại này của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đã chiếm lĩnh thị trường truyền thống. Do đó, việc kết nối, tìm kiếm thị trường mới rất cần thiết. Vì vậy, để có đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm thì rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành về quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là kênh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, những người trẻ khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh còn có băn khoăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; mong muốn được tạo quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất, được “tiếp sức” đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, từ việc phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo OCOP đến việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ máy móc và đào tạo, tập huấn; kết nối, liên kết cùng lập nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững…
Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết: “Hướng phát triển của Chương trình OCOP trong thời gian tới là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát triển thị trường; xây dựng đội ngũ chủ thể OCOP đủ năng lực dẫn dắt người nông dân phát triển kinh tế, thay đổi tư duy phát triển; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để người dân có cơ hội tìm kiếm bạn hàng, mở rộng quy mô sản xuất… Do vậy, vai trò của những chủ thể trẻ là rất quan trọng trong tạo động lực kết nối, phát triển sản phẩm mang bản sắc địa phương nên Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành tích cực giúp những người trẻ phát huy được năng lực của mình, tận dụng lợi thế riêng để thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Bài 3: Chắp cánh cho sản phẩm OCOP bay xa