Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh đã xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao. OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương “từ làng ra phố” mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết, trở thành nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Bài 1: “Chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất
Chương trình OCOP là bước đi quan trọng trong hành trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Qua đó xây dựng được hàng trăm chuỗi sản xuất hiệu quả ở khu vực nông thôn.
Thay đổi tư duy sản xuất
Với HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn), Chương trình OCOP đã trở thành “chìa khoá” để đơn vị thay đổi tư duy, đường hướng sản xuất, kinh doanh. Nếu trước đây, HTX sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu, thị trường tiêu thụ còn mang tính “làng xã” thì từ khi được công nhận sản phẩm OCOP (năm 2019), mật ong Cường Nga đã thực sự được nâng tầm.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga, cho biết: “Năm 2022, chúng tôi tiêu thụ 10.000 lít mật ong, doanh thu 4 tỷ đồng. Năm 2023, HTX phấn đấu tiêu thụ 17.000 lít mật ong với doanh thu ước 6,8 tỷ đồng (trong khi trước đây chỉ bán được trên dưới 1.000 lít/năm)”.
Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, HTX Mật ong Cường Nga đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điều đáng nói, quy mô sản xuất của HTX Mật ong Cường Nga không ngừng được mở rộng. Hiện nay, ngoài 16 thành viên, HTX còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho 52 hộ nuôi ong trên toàn huyện, đưa lại thu nhập 180 - 200 triệu đồng/hộ/năm cho nhiều hộ.
Trên lĩnh vực chế biến hải sản, sau nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống, HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh) quyết định chinh phục bằng được danh hiệu sản phẩm OCOP.
Bà Đặng Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng, chia sẻ: “Xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang trên diện tích 1,2ha, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... là những tiền đề để 4 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019 (gồm: nước mắm Luận Nghiệp, cá mờm Luận Nghiệp, sứa ăn liền Luận Nghiệp và mắm ruốc Luận Nghiệp). Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, HTX tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao đối với nước mắm Luận Nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi so với trước đây. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp hiện nay đang kết nối để đưa vào hệ thống siêu thị BigC, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nga và Úc”.
Đầu ra sản phẩm không ngừng tăng đồng nghĩa quy mô sản xuất của HTX cũng được mở rộng. Theo đó, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thù lao 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn đóng góp tích cực trong việc bao tiêu sản phẩm thuỷ hải cho bà con ngư dân bằng việc liên kết thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho hơn 300 tàu, thuyền đánh bắt tại xã Kỳ Ninh.
2018 là năm đầu tiên Hà Tĩnh “khởi động” Chương trình OCOP với việc hỗ trợ xây dựng 6 sản phẩm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai diện rộng. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là con số ấn tượng đối với một tỉnh có quy mô sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn nhỏ như Hà Tĩnh.
Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết: Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân, người sản xuất từ chỗ “thụ động, trông chờ, ỷ lại” sang “ tự lực, tự chủ, sáng tạo” và đã khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu; biến người nông dân thành chủ cơ sở sản xuất đầy tự tin, sáng tạo. Đến nay, có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo trong cộng đồng, đã thu được kết quả làm nền tảng quan trọng và là làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh từng bước khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, với phương châm: “Chủ trương đúng, tư tưởng thông, hành động quyết liệt”, Hà Tĩnh đã ban hành Đề án, kế hoạch, chính sách và tập trung cao trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Tỉnh đã sớm hình thành hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều phối và đội ngũ cán bộ chuyên trách, chuyên nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện Chương trình.
Công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu các cấp và các chủ thể tham gia Chương trình được đẩy mạnh theo các chuyên đề chuyên sâu. Qua đó đã xây dựng nền tảng tư tưởng, tinh thần cho cộng đồng, khát vọng vươn lên và cách làm bài bản.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất,...
Hàng năm, tỉnh đã tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các cơ sở, đơn vị để giải quyết các vấn đề khó, những rào cản, đặc biệt là vấn đề đất đai, mặt bằng, cơ chế chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho người dân sáng tạo, phát triển sản xuất.
Bên cạnh cơ chế, chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đồng bộ, tạo động lực, dẫn dắt cho các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng hạ tầng, công nghệ, thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP.
Việc đảm bảo ATVSTP luôn được các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quan tâm, chú trọng.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ở Hà Tĩnh, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình đã được nâng lên về nhận thức, năng lực sản xuất, nhất là về quản trị kinh doanh, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường...
Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, hệ thống máy móc, trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Để quản lý các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đạt chuẩn, tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất, nhất là vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, định kỳ lấy mẫu kiểm nghiệm độc lập. Năm 2021, Hà Tĩnh đã kiểm tra và thu hồi chứng nhận sản phẩm của 5 cơ sở và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng do vi phạm các quy định của Chương trình.
Hà Tĩnh cũng đã sớm triển khai thực hiện chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với mục tiêu số hóa toàn diện từ việc hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp góp phần tăng giá trị nông sản địa phương. Điều này chứng minh rõ nét nhất trong giai đoạn là từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân; song lĩnh vực nông nghiệp vẫn “trụ” và “gánh” cho một số lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp. Hầu hết sản phẩm tham gia OCOP đều tăng về doanh số bán hàng: bình quân, tăng gần 40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4-5 lần, giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Bài 2: Nơi ươm mầm cho những người trẻ