Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh luôn đặt quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Đó là động lực để Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy nội lực để “bứt phá”.
Bài 1: “Quả ngọt” trong gian khó
Với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt trong thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), phong trào xây dựng NTM diễn ra sôi nổi, nhận được sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Những kết quả nổi bật
Từ tỉnh nghèo, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của toàn quốc trong Chương trình xây dựng NTM. Phát huy kết quả đạt được, trong hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng xây dựng NTM tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Các tiêu chí cấp tỉnh, huyện và xã được tập trung củng cố, nâng cao; kinh tế nông thôn có sự chuyển biến tích cực; công tác bảo vệ môi trường được tăng cường; cơ sở vật chất giáo dục, y tế, công trình nước sạch tập trung... được quan tâm đầu tư, nâng cấp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Hà Tĩnh cũng triển khai nhiều hệ thống chính sách lớn về nông nghiệp và nông thôn mới (Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 51-NQ/HĐND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025...). Những chính sách “kích cầu” thực sự tạo nên động lực lớn, chuyển nền sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi số và bền vững hơn. Khắp các địa phương của Hà Tĩnh, tinh thần xây dựng NTM không có điểm kết thúc đã trở thành ý chí và quyết tâm cho mục tiêu lớn.
Đến nay, toàn tỉnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50/181 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7/181 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hà Tĩnh có 286 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm 4 sao, 272 sản phẩm 3 sao. Toàn tỉnh có 20 cửa hàng theo chuỗi phân phối OCOP. Theo đánh giá, doanh số bán hàng của 100% cơ sở tăng bình quân từ 40% trở lên so với trước khi tham gia OCOP. Không chỉ tự tin với thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn tìm được thị trường xuất khẩu như: bánh đa vừng Nguyên Lâm, sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu, bánh đa nem Nam Chi, cu đơ Bà Hường, nước mắm Luận Nghiệp…
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 46,08 triệu đồng (gấp 5,5 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,79% (năm 2011 là 23,91%).
Đoàn công tác Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định ấn tượng trước những kết quả xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.
Với cách làm sáng tạo và bền bỉ, Hà Tĩnh tiếp tục kiên trì tiêu chí 20 - khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nên ngày càng nhân rộng những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống, tạo sự hài lòng cao trong mỗi người dân. Từ hiệu quả tiêu chí 20, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng các khu dân cư NTM thông minh gắn với chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 1.100/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (67,65%); dự kiến đến năm 2024 có 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt yêu cầu của đề án tỉnh NTM). Các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng 13 mô hình khu dân cư NTM thông minh, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20 mô hình thôn thông minh và 4 mô hình xã NTM thông minh.
“Xuyên suốt mục tiêu do người dân là chủ thể và người dân là người hưởng thụ trực tiếp, chương trình NTM càng đi vào chiều sâu thì yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng tiến thêm những nấc thang mới. Bởi vậy, dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được những chỉ tiêu, tiêu chí đề ra, xây dựng những vùng quê NTM với những giá trị vững bền”, ông Ngô Đình Long, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định.
Còn nhiều khó khăn
Với sự vào cuộc tích cực và hiệu quả, đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả bước đầu; tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án thí điểm, tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng xây dựng NTM tiếp tục là phong trào sôi nổi, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư.
Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ, trong số 10 tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ có 2/10 tiêu chí cơ bản đạt, gồm: quy hoạch và an ninh trật tự xã hội; 3/10 tiêu chí có khả năng hoàn thành, gồm: dịch vụ hành chính công; giáo dục và y tế; chỉ đạo, điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM; có 5 tiêu chí khó hoàn thành nếu không có sự nỗ lực và nguồn lực hỗ trợ, gồm: cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn; việc làm, thu nhập và hộ nghèo.
Rà soát cụ thể theo các nhóm mục tiêu, hiện nay còn 4 xã chưa đạt chuẩn NTM ở huyện Hương Khê, trong đó có 2 xã (Điền Mỹ và Hà Linh) khối lượng công việc phải hoàn thành còn lớn; số lượng xã phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu còn thấp và tính bền vững chưa cao; tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM ở Kỳ Anh, Hương Khê còn chậm; kết quả thực hiện một số chỉ tiêu tại các huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu còn hạn chế. Tại nhiều địa phương, kết cấu hạ tầng được đầu tư đã bị xuống cấp; việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung còn nhiều khó khăn; sản phẩm đạt chuẩn OCOP có quy mô còn nhỏ, chưa có sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Bên cạnh đó, bài toán về phát triển kinh tế nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,08 triệu đồng (cuối năm 2022) lên mức tối thiểu 60 triệu đồng (năm 2025) theo mục tiêu đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM đến nay chưa tìm được lời giải hiệu quả.
Theo đánh giá tiến độ, đến nay, Hà Tĩnh có 7/10 huyện đạt chuẩn NTM; 3 huyện chưa đạt chuẩn gồm: Lộc Hà, Kỳ Anh và Hương Khê. Trong đó, 2 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đã có 100% số xã đạt chuẩn; Lộc Hà cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện, đang chờ thẩm định và Kỳ Anh đang nỗ lực đạt chuẩn vào cuối năm 2023.
Kết quả chưa được như mong muốn là do nhiều nguyên nhân, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là thiếu nguồn lực của Trung ương đầu tư cho Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM. Theo đề án, tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM và huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với du lịch là 47.779 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện đề án không đáp ứng được, Trung ương không phân bổ kinh phí theo đề xuất trong đề án; ngân sách tỉnh khó khăn nên bố trí nguồn lực còn hạn chế.
Các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025 mới ban hành có những yêu cầu cao hơn giai đoạn trước khiến các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; huyện đã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước đó phải tiếp tục đầu tư thêm công sức, nguồn lực để nâng cấp, cập nhật thì mới đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu của giai đoạn mới.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số sở, ngành, địa phương có những thời điểm thiếu quyết liệt, chậm đổi mới; một số nơi có biểu hiện chùng xuống. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về thực hiện đề án chưa thực sự hiệu quả nên một bộ phận người dân chưa đặt quyết tâm cao trong ý chí và hành động…
Bài 2: Động lực, tầm nhìn mới